Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến cho rằng, việc san hô chết cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể, không viện lý do từ nguyên nhân biến đổi khí hậu, thiên tai.
Không viện lý do từ nguyên nhân biến đổi khí hậu, thiên tai
Ngày 12/8, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi khảo sát thực địa tại khu vực Hòn Mun – nơi san hô đang bị xâm hại nghiêm trọng ở vịnh Nha Trang.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến cho rằng, việc san hô chết cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể, không viện lý do từ nguyên nhân biến đổi khí hậu, thiên tai.
“Việc bảo tồn rất quan trọng để phát triển ngành thủy sản bền vững, có bảo tồn mới có trữ lượng để có thể khai thác bền vững” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thực tế, việc bảo tồn ở vịnh Nha Trang chưa được chú trọng đúng mức. Nếu tiếp diễn hiện trạng suy giảm hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang, việc phát triển ngành thủy sản bền vững rất khó khăn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Khánh Hòa cần có một bộ phận tách biệt phục vụ bảo tồn với bộ máy và đội ngũ, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đi tuần tra, kiểm soát. Ngoài ra, địa phương cần có sự phối hợp giữa kiểm ngư với lực lượng bảo tồn trên vịnh Nha Trang.
Việc xây dựng của các doanh nghiệp trên khu vực vịnh Nha Trang phải được phối hợp chặt chẽ để bảo tồn bền vững. Song song đó, tỉnh Khánh Hòa cần có một đề án xây dựng sự phối hợp giữa các sở, ngành trong bảo tồn biển, nhất là khu vực vịnh Nha Trang.
Theo báo cáo của Ban quản lý vịnh Nha Trang, thời gian qua, đơn vị đã xã hội hóa cùng với các doanh nghiệp và người dân để bảo vệ, bảo tồn các khu vực.
Tuy nhiên, tại một số khu vực trên vịnh Nha Trang vẫn xuất hiện tình trạng rạn san hô bị chết. Nguyên nhân chính được đánh giá do tác động thiên nhiên từ 2 cơn bão số 12 năm 2017 và số 9 năm 2021 khiến suy giảm rạn san hô khu vực ven bờ.
Khu vực ven bờ có những rạn san hô cách mực nước chỉ khoảng 0,5-1m nên khi sóng đánh đã làm tất cả rạn san hô dạt hết lên bờ.
Ngoài nguyên nhân này, một số tác nhân khác gây ảnh hưởng đến rạn san hô trong vịnh theo đánh giá của nhà khoa học và tỉnh Khánh Hòa là do con người tác động.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của Ban quản lý vịnh Nha Trang là việc đơn vị đang quản lý diện tích 249,6km2 vịnh Nha Trang nhưng chỉ có 1 phương tiện cơ giới để tuần tra và 13 người thực hiện nhiệm vụ nên khó để bảo vệ toàn bộ khu vực.
Cần nhìn thẳng vào vấn đề để xử lý
PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, cần có một đánh giá khách quan, có khoa học về nguyên nhân thực sự của việc “tẩy trắng”.
“Nói về biến đổi khí hậu, thiên tai, địch họa thì nơi nào trên thế giới cũng có. Vậy tại sao họ vẫn bảo tồn, phát triển được mà chúng ta không thể? Chúng ta không nên nhìn vào nguyên nhân ở mức vi mô, mà phải nhìn rộng ra vĩ mô hơn vấn đề này”.
Thực tế, phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu của xã hội, nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, giá trị văn hóa vùng đất đó.
“Nếu cơ quan quản lý phân trần san hô chết vì thiên tai, địch họa, con người xâm lấn… đều đúng hết. Tôi nghiên cứu nhiều năm nên hiểu được vấn đề này, tuy nhiên không thể cứ mãi đổ lỗi cho thiên tai, địch họa mà quên đi sự tác động rất lớn từ con người, chiến lược phát triển kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Tác An nhấn mạnh.
Để bảo tồn được hệ sinh thái biển, trong đó có san hô, Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho rằng, cần sự chung tay của tất cả người dân. “Nhà nước phải đi đầu trong công tác bảo tồn, sau đó phải lo cho được kế sinh nhai cho người dân, bởi khi họ không được đảm bảo chắc chắn sẽ ra biển khai thác và hậu quả thì chúng ta đã biết rồi”, vị tiến sĩ phân tích.
Trước mắt cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển khu vực trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực. Sau đó phải mời nhà khoa học, lập dự án có tính dài hơi, mang tính bền vững.
“Đây là vấn đề nghiêm trọng và cần cơ quan quản lý vào cuộc, đồng thời chọn giải pháp tối ưu để bảo vệ các rạn san hô chưa bị hoặc bị ảnh hưởng ít hơn”, PGS.TS An nhận định.