Để trồng rừng gỗ lớn, tạo nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến gỗ, mối liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng rừng cần phải được thắt chặt, thực hiệm nghiêm cam kết.
Tại diễn đàn, đại diện 5 tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã cùng đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn; đưa ra các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản; phát hiện những nút thắt, điểm nghẽn, những khó khăn vướng mắc đang tồn tại. Mục tiêu đến năm 2025, các tỉnh Bắc Trung bộ sẽ hoàn thành đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025 của Bộ NN- PTNT.
Theo thông tin được đưa ra tại diễn đàn, hiện cả nước có 2,45 triệu ha rừng trồng sản xuất, trong đó diện tích trồng mới khoảng 800 nghìn ha và trồng lại khoảng 1,65 triệu ha. Trong đó có 326.256ha đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chiếm 8,8%).
Về rừng trồng gỗ lớn, cả nước hiện có hơn 489.00ha, trong đó riêng khu vực Bắc Trung Bộ có gần 121.700ha.
Những năm qua, việc chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn được chính quyền các địa phương và người dân rất quan tâm. Cả nước hiện có 126.175ha rừng trồng chuyển hóa kinh doanh gỗ lớn. Trong đó, riêng Bắc Trung Bộ có 28.346ha.
Năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng của nước ta cũng ngày càng được cải thiện. Hiện nay, cây lâm nghiệp có chu kỳ ngắn như keo, bạch đàn (chu kỳ khai thác trung bình 6 năm) của cả nước có diện tích khai thác khoảng 140.294 ha/năm, sản lượng khoảng trên 15,1 triệu m3; cây có chu kỳ khai thác trung bình như mỡ, bồ đề, tràm.. (chu kỳ khai thác trung bình 10 năm) diện tích khai thác khoảng 30.000 ha/năm, sản lượng khoảng 3,6 triệu m3; cây có chu kỳ khai thác dài như lát, xoan, thông và các loài cây bản địa khác (chu kỳ khai thác trung bình 20 năm trở lên) của cả nước có diện tích khai thác khoảng 7.480ha/năm, sản lượng gần 1,2 triệu tấn.
Cả nước hiện có 744 đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp; 632 vườn ươm kiên cố, 1.063 vườn ươm tạm thời và 37 nhà nuôi cấy mô.
Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia và gần 150 nông dân trồng rừng của 5 tỉnh miền Trung đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu tại các địa phương. Công tác quản lý và tổ chức sản xuất tại các vùng nguyên liệu; các chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu gỗ; xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và cấp chứng chỉ tại các vùng gỗ nguyên liệu được rất nhiều đại biểu quan tâm.
Nhiều doanh nghiệp cũng dành sự quan tâm rất lớn đến thị trường cung ứng và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, đặc biệt là các thị trường khó tính. Muốn năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với người trồng rừng, triển khai các giải pháp khoa học công nghệ phát triển vùng nguyên liệu gỗ. Công nghệ ươm tạo, nhân giống cây lâm nghiệp đạt tiêu chuẩn đã được cải tiến, nâng cao chất lượng vườn ươm cây giống; công tác quản lý, kiểm soát việc sản xuất và cung ứng cây giống… được rất nhiều doanh nghiệp và địa phương chú trọng.
Nhiều nông dân tham gia diễn đàn cho rằng, vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với chính quyền và người dân cần phải được thực hiện nghiêm, thắt chặt hơn nữa nhằm tránh tình trạng hợp đồng bị phá vỡ, gây thiệt hại cho các bên. Đồng thời, cần có sự hợp tác và thống nhất giữa các doanh nghiệp để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh…
Về tình hình chế biến, sản xuất, kinh doanh sản phẩm gỗ, lâm sản, cả nước hiện có 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 14,21 tỉ USD, xuất siêu trên 10 tỉ USD, xuất khẩu sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ… |