Khủng hoảng khí hậu làm suy giảm quần thể voi gấp 20 lần so với nạn săn trộm ở Kenya

Trận hạn hán tồi tệ nhất của đất nước trong bốn mươi năm đã làm khô cạn các dòng sông, các hố nước và đồng cỏ, khiến hơn 179 cá thể voi không thể chống chọi với tình trạng mất nước và nạn đói.

Theo Bộ Du lịch và Động vật hoang dã Kenya, khủng hoảng khí hậu hiện đang là mối đe dọa lớn đối với voi hơn là nạn săn trộm ở nước này.

Các số liệu chính thức tiết lộ rằng đợt hạn hán hiện tại của đất nước là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong bốn mươi năm, đang giết chết số lượng voi nhiều gấp 20 lần so với nạn săn trộm voi ở Kenya.

Kenya là nhà của khoảng 36.000 cá thể voi, với những con trưởng thành cần khoảng 300 pound thức ăn và hơn 50 gallon nước mỗi ngày. Nhưng khi các con sông, hố nước và đồng cỏ ngày càng khô cạn do nhiệt độ khắc nghiệt, quần thể voi đang dần bị diệt vong.

Jim Nyamu, một nhà khoa học nghiên cứu về voi người Kenya cho biết: “Chúng tôi dự đoán voi ở Kenya sẽ bị sảy thai nhiều, điều này đã từng diễn ra trước đây. Kể cả những voi con có được sinh ra thì cơ hội sống sót của chúng cũng bị hạn chế.”

Một trong những vườn quốc gia lớn nhất thế giới – Vườn quốc gia Tsavo đã chứng kiến ​​cái chết của 179 cá thể voi chỉ trong 8 tháng qua. Ngược lại, săn trộm đã giết chết ít hơn 10 cá thể voi trong cùng một khoảng thời gian.

Najib Balala, Bộ trưởng Nội các Du lịch cảnh bảo: “Đó là một báo động đỏ! Đã đến lúc thảo luận về biến đổi khí hậu.”

Voi châu Phi bị săn trộm số lượng lớn để lấy ngà, bất chấp lệnh cấm buôn bán ngà voi quốc tế đã có từ năm 1989. Trong những năm gần đây, các quan chức Kenya đã trấn áp nạn săn trộm bằng cách đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người liên quan, bao gồm cả kẻ mua và người bán. Sáng kiến ​​này đã có tác động cực kỳ tích cực đến các quần thể động vật hoang dã.

Tuy nhiên, bất chấp những bước tiến đã đạt được trong đấu tranh chống săn trộm voi, các vấn đề môi trường vẫn bị coi thường. Ông Balala cho biết: “Chúng ta đã bỏ qua việc đầu tư vào quản lý đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Tất cả các khoản đầu tư của chúng tôi đã đổ vào buôn bán và săn trộm động vật hoang dã bất hợp pháp.”

Với thiệt hại lên tới 70% vụ mùa, ước tính có khoảng 4 triệu người trên khắp Kenya đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng hoặc có nguy cơ chết đói do hạn hán. Gần 2,5 triệu con bò, lợn, gà và các động vật khác được sử dụng làm thực phẩm đã chết vì thiếu thức ăn và nước uống. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cam kết hỗ trợ 255 triệu USD cho Kenya để hỗ trợ các nỗ lực của quốc gia này nhằm giải quyết những tác động tàn phá của hạn hán.

Khi Kenya và các vùng khác ơt Đông Phi tiếp tục chống chọi với hạn hán, các khu vực khác trên thế giới bao gồm Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cũng đang trải qua mức nhiệt chưa từng có và gia tăng tình trạng thiếu nước. Các nhà khoa học cảnh báo rằng những hiện tượng này sẽ chỉ trở nên phổ biến hơn khi khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng.

Ảnh: speciesunite.com

Bạn có thể làm gì?

Voi không phải là loài động vật duy nhất bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ tăng cao đang tác động đến thiên nhiên, từ những con cá chỉ có thể sống sót trong vùng nước mát đã chết với số lượng đáng kinh ngạc trong những năm gần đây đến những con rùa biển bị ảnh hưởng sinh sản, dẫn đến tỷ lệ giới tính mất cân bằng.

Việc sản xuất thực phẩm từ động vật đang tàn phá môi trường. Nó có ảnh hưởng đến môi trường cao nhất trong tất cả các loại thực phẩm đến suy thoái nước, phá rừng, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm các hệ thống thủy sinh và trên cạn.

Khi dân số tiếp tục bùng nổ, chế độ ăn giàu thịt, trứng và sữa ngày càng gia tăng, các chuyên gia cho rằng rất khó có thể giữ tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2°C. Trên thực tế, ngay cả khi lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch được loại bỏ ngay lập tức, chỉ riêng lượng khí thải từ hệ thống lương thực toàn cầu cũng không thể hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C và thậm chí khó đạt được mục tiêu 2°C.

Điều mà chúng ta có thể làm với tư cách cá nhân để giúp hạn chế cuộc khủng hoảng khí hậu và bảo vệ động vật, con người và hành tinh là áp dụng chế độ ăn dựa trên thực vật, hạn chế tiêu thụ sản phẩm từ động vật.

Thùy Dung (Theo speciesunite.com)

Nguồn: https://www.speciesunite.com/news-stories/climate-crisis-is-killing-20-times-more-elephants-than-poachers-in-kenya?

Nguồn: