Ngày 10/8, tại Hà Nội, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) tổ chức Lễ phát động chương trình “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” năm 2022.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” được triển khai từ năm 2020, với mong muốn thúc đẩy vai trò của cộng đồng người trẻ trong kiến tạo các giải pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và quản lý rác thải nhựa tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ven biển tại Việt Nam.
Phát biểu chính thức phát động chương trình, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho biết: “Theo một báo cáo mới nhất năm 2021 của chương trình môi trường Liên hợp quốc, lượng rác thải nhựa thải ra đại dương có thể tăng gần gấp 3 lần từ 9-14 triệu tấn hàng năm từ 2016 lên đến 23-37 triệu tấn hàng năm vào năm 2040. Nếu không can thiệp kịp thời, đến năm 2050 đại dương trên Trái Đất sẽ chứa nhiều rác hơn là cá. Chúng ta không có cách nào khác là hành động toàn diện, nhanh chóng, ở mọi cấp độ. Trong không khí hưởng ứng ngày Thanh niên quốc tế 12/8, tôi rất vui mừng phát động chương trình Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa 2022. Mục tiêu cụ thể của chương trình năm nay là giảm rác thải nhựa tại Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà, Hải Phòng, góp phần vào công cuộc gìn giữ vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam nói riêng và chống rác thải nhựa đại dương nói chung”.
Đại diện Ban tổ chức cũng cho biết Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà được chọn triển khai thí điểm năm 2022 do đây là một địa phương ven biển có số lượng khách du lịch đang tăng lên nhanh chóng và thực trạng rác thải cũng đáng báo động. Với ưu tiên chiến lược tại Việt Nam trong hỗ trợ bảo tồn các hệ thái biển và phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, chương trình “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa 2022” nhằm hỗ trợ các nhóm thanh niên, sinh viên và nhà khoa học trẻ xây dựng và phát triển các giải pháp cho vấn đề về thu gom, phân loại, xử lý, tái chế, tái sử dụng… rác thải nhựa, đặc biệt là rác nhựa dùng một lần, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và hướng tới sự phát triển bền vững của đại dương.
Tham gia chương trình, các bạn trẻ có cơ hội xây dựng ý tưởng, tranh tài, được đào tạo định hướng bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tham quan thực tế địa bàn triển khai ý tưởng, được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để triển khai thí điểm các ý tưởng của mình tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, cũng như các cơ hội được tham gia Mạng lưới thanh niên và các nhà khoa học trẻ cùng các sự kiện liên quan cấp khu vực và quốc tế của UNESCO.
Chương trình mở rộng với thanh niên và các nhà khoa học trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 35 trên toàn quốc. Các thí sinh có thể dự thi theo nhóm với số lượng không quá 5 người mỗi nhóm, ưu tiên các nhóm có ít nhất 1 nữ thanh niên. Thời hạn nộp hồ sơ tham dự là từ nay đến hết ngày 15/10/2022. Dự kiến, vòng chung kết sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2023. Chương trình sẽ lựa chọn và trao giải thưởng cho 3 đề xuất xuất sắc nhất, mỗi giải lên đến 80 triệu đồng, cho đề xuất ý tưởng và chi phí hỗ trợ triển khai thực tế tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà trong giai đoạn 2022-2023.