Hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện cùng một thời điểm đang gây nhiều khó khăn cho ngành y tế Việt Nam. Tình hình sắp tới được dự báo tiếp tục phức tạp.
Trong hội nghị được tổ chức sáng 2/8 của Bộ Y tế, đại diện Cục Y tế Dự phòng đã có báo cáo về công tác phòng, chống dịch trong 7 tháng đầu năm. Theo đó, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn cùng nguy cơ dịch chồng dịch thời gian tới.
Nguy cơ từ nhiều dịch bệnh
Phát biểu tại buổi hội nghị, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nhận định tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới nói chung vẫn phức tạp.
“Nhiều quốc gia đã ghi nhận số ca mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, nhất là đại dịch Covid-19 với nhiều biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các dịch bệnh gồm sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tiếp tục được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Cụ thể, với Covid-19, trong 7 tháng đầu năm, dịch đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1.
Thống kê cho thấy 3 tuần gần đây, số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 tăng lên. Tại Việt Nam, chúng ta ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19 trong 7 tháng qua cùng gần 11.000 người tử vong.
TS Tâm nói: “Từ cuối tháng 3, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện cơ bản được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron cũng đã xâm nhập vào nước ta”.
Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp trên thế giới. Số ca mắc tăng cao tại nhiều quốc gia, trong đó, châu Mỹ và châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. WHO dự báo số ca mắc sốt xuất huyết hàng tuần sẽ ở mức cao trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 45 ca đã tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 3,2 lần, trong khi lượng bệnh nhân tử vong tăng 31 trường hợp.
Với một số bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại, Việt Nam ghi nhận lượng ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số lượng này đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, số ca tay chân miệng tăng cục bộ tại một số địa phương, bệnh nhân sởi cũng xuất hiện rải rác trên các tỉnh, thành phố.
Điểm may mắn là Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ và viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nguy cơ Việt Nam bị các bệnh lý này xâm nhập là hoàn toàn có thể xảy ra.
Liên quan vấn đề này, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định: “Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu khi dịch bệnh đã lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực khác. Các bệnh truyền nhiễm trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế, xã hội”.
Vị lãnh đạo cũng thừa nhận công tác phòng, chống dịch thời gian qua còn nhiều tồn tại, khó khăn. Trong đó, nước ta xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác, quyết tâm của một số bộ phận, nhất là việc tiêm vaccine Covid-19 ở một số địa phương chưa đạt theo yêu cầu.
Cái khó và hướng đi
Chia sẻ về những khó khăn hiện tại trong công tác phòng dịch, TS Nguyễn Lương Tâm nhận định ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân là những điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh bùng phát, từ đó làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến chủng mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo.
Xét về mặt chủ quan, vị lãnh đạo đánh giá vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong biện pháp phòng dịch, một số nơi chưa quyết liệt, năng lực quản lý, tổ chức chưa đồng đều, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan.
Riêng với Covid-19, thực tế, tốc độ tiêm vaccine ở một số địa phương không đạt tiến độ, nhất là tiêm mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi như yêu cầu.
“Một bộ phận người dân có tình trạng né tránh tiêm vaccine. Việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt kết quả như mong muốn”, TS Tâm nói.
Một số vấn đề khác là nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo, có tâm lý lo ngại, sợ sai, thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi.
Trong khi đó, ông dự báo các biến chủng mới của SARS-CoV-2 sẽ liên tục xuất hiện và tiến hóa, có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian, khiến dịch bùng phát trở lại.
Về đậu mùa khỉ, dịch bệnh này cũng đang lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng tới các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Với sốt xuất huyết, WHO nhận định khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh. Tổ chức này ước tính có khoảng 100-400 triệu ca mắc sốt xuất huyết mỗi năm. Trong 50 năm qua, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 30 lần và tăng gấp đôi sau 10 năm.
Trước tình hình đó, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm những giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo công thức 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.
Bên cạnh đó, bà lưu ý việc bám sát tình hình dịch trên địa bàn, phát hiện sớm các ca bệnh để hạn chế diễn biến nặng, tử vong; chủ động xây dựng giải pháp ứng phó với dịch bệnh có nguy cơ bùng phát; đảm bảo việc tiếp nhận, điều trị; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19; tăng cường truyền thông, tránh tâm lý chủ quan…