Ngày 29/7, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết các nước giàu đã không thực hiện được cam kết đưa ra nhiều năm trước đây về việc tài trợ 100 tỷ USD để giúp các nước nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2009, các quốc gia phát triển nhất trí cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm, bắt đầu từ năm 2020, cho các nước dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong năm 2020, các nước giàu chỉ cung cấp 83,3 tỷ USD, ít hơn 16,7 tỷ USD so với mục tiêu đề ra. Theo phân tích của OECD, các nước phát triển đã xác định không đáp ứng được mục tiêu trên trước năm 2023.
OECD cho hay, không có gì ngạc nhiên khi mục tiêu tài trợ ứng phó biến đổi khí hậu bị lỡ hẹn, nhưng điều này lại là thông tin không mấy tích cực ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) vào tháng 11 tới, nơi các nước sẽ đối mặt với áp lực đẩy nhanh tiến trình giảm phát thải khí CO2.
Vấn đề tài chính đã trở thành điểm nhức nhối trong các cuộc đàm phán và các nền kinh tế đang phát triển cho biết không thể kiểm soát ô nhiễm nếu không có sự hỗ trợ từ các nước giàu vốn chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải CO2 làm Trái đất ấm lên.
Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu (EU) với 27 nước thành viên là bên cung cấp tài chính chống biến đổi khí hậu lớn nhất. Trong bối cảnh hạn hán gây mất mùa, mực nước biển dâng và các đợt nắng nóng gây chết người tác động tới các nước nghèo nhất thế giới, các quốc gia này đang yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại ngày càng lớn liên quan biến đổi khí hậu.
Cho đến nay, Mỹ, EU và các nước gây ô nhiễm lớn khác vẫn phản đối các biện pháp có thể khiến họ phải chi các khoản bồi thường này.