Loài gấu tại Việt Nam được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Hiện nay, hoạt động nuôi nhốt gấu của một số cơ sở tư nhân, rồi việc chích hút, vận chuyển, buôn bán mật gấu vẫn diễn ra, đòi hỏi cần tiếp tục triển khai những biện pháp quyết liệt để chấm dứt.
Vẫn còn tình trạng buôn bán mật gấu
Trong 17 năm qua, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, các cơ quan chức năng, tổ chức bảo tồn đã tích cực phối hợp với người dân để phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm, đặc biệt là vận động người dân tự nguyện chuyển giao gấu cho các trung tâm cứu hộ… Theo số liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), tính đến hết tháng 7-2022, 40 tỉnh, thành phố không còn tình trạng nuôi nhốt gấu, cả nước còn 264 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân, trong đó có 141 cá thể tại Hà Nội.
Hành trình đóng cửa các cơ sở tư nhân, đưa gấu vào các trung tâm cứu hộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hoạt động chích hút, vận chuyển, buôn bán mật gấu vẫn còn diễn biến phức tạp. Vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang Nguyễn Văn Thao (chủ cơ sở nuôi nhốt 7 cá thể gấu đã được đăng ký hồ sơ và gắn chíp tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) đang vận chuyển trái phép 350 lọ mật gấu. Số mật gấu này được chích hút trực tiếp từ các cá thể gấu nuôi nhốt tại nhà đối tượng này. Thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội cho biết: “Đối tượng hoạt động rất kín kẽ, sử dụng thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội. Cảnh sát phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ trong một tháng để bắt quả tang”.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV khẳng định, khi các cá thể gấu chưa được đưa tới trung tâm cứu hộ, các cơ sở nuôi nhốt vẫn còn, thì luôn tồn tại nguy cơ xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, công tác vận động chủ cơ sở tự nguyện chuyển giao gấu trở nên vô cùng khó khăn. Chủ gấu đều đòi bồi thường nếu chuyển giao hoặc từ chối với lý do nuôi làm thú cưng. Trên thực tế, chi phí nuôi một cá thể gấu rất tốn kém, khoảng 90.000 đồng/ngày (khoảng 32 triệu đồng/năm), nhưng nhiều cơ sở vẫn duy trì nuôi đến hàng chục cá thể trong nhiều năm qua…
Các chuyên gia nhận định, gấu vốn là động vật hoang dã, việc bị nuôi nhốt trong thời gian dài sẽ làm mất đi bản năng tự nhiên vốn có của loài. Trong khi đó, để loài gấu sinh trưởng, phát triển tốt, ngoài điều kiện về môi trường, thức ăn, thì công tác thú y cũng vô cùng quan trọng, nhưng chưa cơ sở tư nhân nào đáp ứng được điều này. Bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Tổ chức Four Paws Việt (đơn vị thành lập và vận hành Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình) chia sẻ: “49 cá thể gấu được chúng tôi cứu hộ từ những cơ sở nuôi nhốt gấu tư nhân đều mắc bệnh về gan, mật và ít nhất một trong các bệnh như: Viêm khớp, cao huyết áp, bệnh răng miệng. Nhiều cá thể mất các phản xạ tự nhiên, hoạt động chậm chạp, yếu ớt… vì bị nuôi nhốt trong chuồng, cũi lâu năm”.
Cần cam kết từ chính quyền địa phương
Trước tình trạng hoạt động chích hút, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán mật gấu còn diễn biến hết sức phức tạp, loài gấu phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm mỗi ngày, bà Bùi Thị Hà cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại các cơ sở tư nhân. Để thực hiện được điều này, cần có cam kết và giải pháp cụ thể từ phía chính quyền địa phương, nơi còn tồn tại các cơ sở nuôi nhốt. Bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ sở nuôi gấu tự nguyện giao nộp gấu cho các trung tâm cứu hộ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật, các địa phương cần có những hành động quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt, góp phần vào nỗ lực chung của cả nước.
Trên thực tế, đã có nhiều bản án nghiêm khắc đối với những vi phạm liên quan đến gấu. Tuy nhiên, hoạt động khai thác mật gấu vẫn diễn ra bất chấp luật pháp vì nhiều nguyên nhân, trong đó có quan niệm về công dụng chữa bệnh của mật gấu. Ông Gilbert Sape, Giám đốc toàn cầu Chương trình Động vật hoang dã, Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới cho biết, trong thời gian qua, Trung ương Hội Đông y Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á biên soạn, phát hành cuốn sách “Những cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu”. Điều này khẳng định các phương thuốc và thảo dược tự nhiên hoàn toàn có khả năng chữa bệnh hiệu quả, thay thế được mật gấu trong y học cổ truyền. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền đấu tranh, bảo vệ gấu tại các cơ sở tư nhân, cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin này tới cộng đồng, từ đó xóa bỏ nhu cầu sử dụng mật gấu, tiến tới chấm dứt hoạt động chích hút, vận chuyển, tàng trữ mật gấu.
Theo bà Ngô Thị Mai Hương, các địa phương còn tồn tại hoạt động nuôi nhốt gấu cần thực hiện một cuộc đánh giá những cơ sở tư nhân để xác định chính xác số lượng gấu còn lại, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, nhu cầu chăm sóc thú y, từ đó có chiến lược quản lý nhằm tái định cư và chăm sóc dài hạn cho gấu ở những cơ sở cứu hộ. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm, công an cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các cơ sở nuôi nhốt gấu để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, từ đó tạo sức răn đe. Đồng thời, cần kiên quyết ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp để bảo đảm không tăng số lượng gấu nuôi nhốt, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu.