Theo công bố mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các nước giàu không đáp ứng được cam kết đóng góp 100 tỷ USD giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là trở ngại hiện hữu lớn nhất để đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán khí hậu, bởi nhiều nước nghèo đang chần chừ cam kết đẩy mạnh việc giảm lượng khí thải cho đến khi các quốc gia phát triển thực hiện lời hứa của họ.
Tại Hội nghị Biến đổi khí hậu Copenhagen 2009 (COP15), các nước phát triển đã cam kết sẽ huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong vòng 5 năm kể từ năm 2020 cho các nước dễ bị tổn thương do thiên tai và tác động có liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong báo cáo công bố ngày 29-7 vừa qua, OECD cho biết các nước đang phát triển chỉ nhận được 83,3 tỷ USD trong năm 2020 – giảm 16,7 tỷ USD so với cam kết. Các nước giàu đã xác định không đáp ứng được mục tiêu trên trước năm 2023.
Vấn đề tài chính đã trở thành điểm nhức nhối trong các cuộc đàm phán và các nền kinh tế đang phát triển cho biết không thể kiểm soát ô nhiễm nếu không có sự hỗ trợ từ các nước giàu vốn chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải CO2 làm Trái đất ấm lên. Yamide Dagnet, Giám đốc đàm phán về khí hậu tại Viện Tài nguyên thế giới, nhận định cam kết là trọng tâm để tái tạo niềm tin và 100 tỷ USD là nhu cầu thực tế của các quốc gia dễ bị tổn thương. Các quốc đảo nhỏ và các vùng đất trũng ven biển đang mất dần đất đai vì nước biển dâng. Lũ lụt do các cơn bão cực đoan đang quét sạch sinh kế của người dân ở châu Phi và châu Á. Các đợt nắng nóng đang gây hại cho mùa màng và ảnh hưởng đến các cộng đồng sinh vật biển sinh sống.
Các tài liệu từ Liên hợp quốc cho thấy, khoảng cách ngày càng lớn giữa chi phí thích ứng với khí hậu ở các nước đang phát triển và lượng tài chính công dành cho nó. Khi khí hậu thay đổi nghiêm trọng, chi phí thích ứng đang tăng lên. Thích ứng đề cập đến bất kỳ hành động nào nhằm giảm thiểu rủi ro mà cộng đồng phải đối mặt do biến đổi khí hậu. Điều đó có nghĩa là phát triển các hệ thống cảnh báo sớm về bão, tăng cường khả năng tiếp cận điều hòa không khí trong các đợt nắng nóng, làm cho cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt hoặc chuyển đổi các hoạt động nông nghiệp để có khả năng chống hạn tốt hơn.
Đến năm 2030, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính rằng các nước đang phát triển sẽ phải chi tới 300 tỷ USD mỗi năm chỉ để đối phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow (Anh) vào tháng 11 năm ngoái, tất cả các quốc gia đã đồng ý với lo ngại rằng việc cung cấp tài chính khí hậu cho thích ứng hiện tại vẫn chưa đủ để ứng phó với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho biết: “Tài chính khí hậu đã tăng trong giai đoạn 2019 đến 2020, nhưng như chúng tôi đã dự đoán, vẫn thiếu mức tăng cần thiết để đạt được mục tiêu 100 tỷ USD. Trong khi các quốc gia tiếp tục vật lộn với những tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine, chúng ta đang thấy biến đổi khí hậu gây ra những tác động bất lợi trên diện rộng cũng như những tổn thất và thiệt hại liên quan đến thiên nhiên và con người”.
Tăng cường tài chính cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu sẽ là một trong những mục tiêu chính của COP27 tại Ai Cập vào tháng 11 tới. Việc không đạt được mục tiêu đề ra, hay nói cách khác những lời hứa trước đây đã không được thực hiện sẽ khiến mục tiêu đàm phán tăng cường viện trợ khí hậu trở nên khó đạt được hơn. Đây chính là trở ngại hiện hữu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.