Trong thời gian qua, các chương trình bảo tồn động vật, như chương trình bảo tồn Voi; chương trình bảo tồn Hổ; chương trình bảo tồn Sao La; chương trình bảo tồn các loài Linh trưởng; chương trình bảo tồn các loài Rùa đã đạt được một số kết quả nhất định.
Trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, hôm nay (29.7), Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức “Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, giai đoạn 2016 – 2021, môi trường nước ta vẫn chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, chú trọng phát triển theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, khu công nghiệp, nông thôn và làng nghề; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.
Tại phần thảo luận về “Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái”, theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, đa dạng sinh học cung cấp thu nhập chính hoặc một phần cho khoảng 20 triệu người dân Việt Nam từ tài nguyên thuỷ sinh, mang lại thu nhập từ 20-50% cho khoảng 25 triệu người sống trong hoặc gần rừng từ khai thác lâm sản ngoài gỗ.
Tuy vậy, trong thời gian qua, các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ tiếp tục bị đe dọa. Các nhà khoa học đã đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn tới 1.211 loài, gồm: 600 loài thực vật và 611 loài động vật. Số lượng loài bị đe dọa như vậy đã tăng lên nhiều so với Sách Đỏ Việt Nam năm 2007.
Nguyên nhân tới từ nạn khai thác quá mức và buôn bán trái phép tài nguyên đa dạng sinh học. Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, trong giai đoạn 2010-2016, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 174.000 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, phát triển rừng và lâm sản, trong đó có 4.305 vụ liên quan đến động vật hoang dã. Các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã được buôn bán phổ biến bao gồm tê tê, vảy tê tê, rùa, tay gấu, sừng tê giác.
Trong nội dung tham luận tại hội thảo PGS. TS. Lê Xuân Cảnh – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nêu rõ, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các loài bị nguy cấp, quý hiếm nói riêng đã trở thành vấn đề cấp bách và cần những biện pháp phù hợp, cụ thể, càng sớm càng tốt.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thực hiện các chương trình bảo tồn động vật, như: Chương trình bảo tồn Voi; chương trình bảo tồn Hổ; chương trình bảo tồn Sao La; chương trình bảo tồn các loài Linh trưởng; chương trình bảo tồn các loài Rùa.
Đánh giá về các chương trình bảo tồn loài, PGS. TS. Lê Xuân Cảnh nhận định hầu hết các chương trình đều đạt được những thành tự đáng kể là bảo tồn được các loài theo hình thức nguyên vị. Bảo tồn loài ở Việt Nam có một số điểm sáng như quần thể Voọc Cát Bà đã không còn suy giảm và đang có chiều hướng tăng lên mặc dù chậm. Quần thể Voọc mông trắng ở Vân Long từ dưới 50 cá thể nay đã tăng lên gần 200 cá thể sau khi các mối đe dọa trực tiếp đã được giảm thiểu nhờ các hoạt động bảo tồn có hiệu quả. Cá sấu xiêm được coi như đã tuyệt chủng ở Việt Nam nhưng chương trình tái thả tại Vườn Quốc gia Cát Tiên đã hồi phục loài này.
Ngoài ra, việc báo chí và các chương trình truyền thông về bảo tồn loài vào cuộc làm thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã và thay đổi hành vi sử dụng.
Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng hình phạt và bám sát hơn với các diễn biến trên thực tế cũng giúp ngăn chặn các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tăng cường thực thi pháp luật và nâng cao hiệu quả truyền thông là công cụ hữu hiệu giúp cho các chương trình bảo tồn loài thành công.
Đánh giá hiện trạng và giải pháp quản lý bền vững hệ sinh thái và di sản thiên nhiên, GS.TSKH Trương Quang Học, Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, để mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý bền vững hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học, Việt Nam sẽ tập trung vào thực hiện hàng loạt các giải pháp về chính sách, thể chế nhằm thực hiện hiệu quả các Chiến lược, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước và biển; thành lập và quản lý bền vững các hành lang đa dạng sinh học kết nối giữa các khu bảo tồn thiên nhiên….