Việc khai thác quá mức và hủy hoại môi trường đã đe dọa các loài hoang dã, đặc biệt là những loài dễ bị tổn thương.
Báo cáo do Ban Cố vấn khoa học của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (IPBES) công bố mới đây cho biết, hàng tỷ người trên thế giới, ở cả các nước phát triển và đang phát triển, đang phụ thuộc và hưởng lợi từ việc sử dụng các loài hoang dã làm thực phẩm, thuốc, năng lượng, thu nhập và nhiều mục đích khác. Việc khai thác quá mức và hủy hoại môi trường đã đe dọa các loài hoang dã, đặc biệt là những loài dễ bị tổn thương.
Vào năm 2019, IPBES tiết lộ, 1 triệu loài hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng mà nguyên nhân chính là do con người khai thác quá mức. Còn trong báo cáo mới này, IPBES cho biết, khoảng 50.000 loài hoang dã được sử dụng thông qua đánh bắt, hái lượm, khai thác gỗ và săn bắt động vật trên cạn, trong đó có 7.500 loài cá và động vật không xương sống dưới nước, 7.400 loài cây, 7.500 loài lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú…
Ông Jean-Marc Fromentin, đồng chủ trì báo cáo cho biết thêm, khoảng 70% người nghèo trên thế giới sống phụ thuộc trực tiếp vào các loài hoang dã và những cơ sở kinh doanh liên kết với chúng. Tuy nhiên, không chỉ có cộng đồng nông thôn ở các nước đang phát triển mà ngay cả người dân đô thị tại các quốc gia giàu có cũng đang sống dựa vào các loài này. Hầu hết người dân đô thị không nhận ra điều này bởi thực vật hoang dã được sử dụng để làm thuốc, mỹ phẩm hoặc đồ đạc trong gia đình.
Báo cáo của IPBES chỉ ra rằng, các loài hoang dã cũng tạo ra nguồn thu nhập và việc làm quan trọng. Trước đại dịch Covid-19, du lịch trong các khu bảo tồn đã thu về 600 tỷ USD/năm. Nhưng việc khai thác quá mức đã ảnh hưởng đến 34% trữ lượng cá, gây nguy hiểm cho 1.341 loài động vật có vú hoang dã, 12% các loài cây hoang dã, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho cá mập và cá đuối.
Trên thực tế, buôn bán trái phép các loài hoang dã được coi là hoạt động bất hợp pháp lớn thứ ba thế giới, sau buôn người và ma túy, thu lời mỗi năm từ 69 đến 199 tỷ USD.
Báo cáo của IPBES kết luận, khai thác quá mức là mối đe dọa chính đối với các loài sinh vật biển hoang dã cũng như đối với đất liền và các hệ sinh thái nước ngọt. Do đó, các quốc gia cần có chính sách hiệu quả hơn để đối phó với tình trạng này.