Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình Chính phủ.
Luật Đất đai năm 2013 được thực thi hơn 8 năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, đồng thời bổ sung các chính sách mới là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm hai chương. Trong đó bổ sung thêm một chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành hai chương.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới. Cụ thể:
1. Dự án luật hoàn thiện đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở ba cấp, gắn kết với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng.
Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất theo ba khu vực, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
2. Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất. Giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Luật cũng quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá, đấu thầu.
3. Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý thống nhất của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai thống nhất tập trung quản lý mọi biến động của từng thửa đất.
Các cơ chế kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền về phân cấp như thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu cập nhật các biến động về quản lý của địa phương về Trung ương, các cơ chế giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.
4. Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất. Chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ.
Để giải quyết tình trạng chậm triển khai dự án do chậm bàn giao mặt bằng Dự thảo Luật quy định thẩm quyền tách dự án đầu tư cho cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; đồng thời giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
5. Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, sự giám sát của HĐND; các chính sách tài chính, ngân sách, thuế để điều tiết nguồn thu từ đất, địa tô tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư mang lại, giải quyết tình trạng đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
6. Tiếp tục hoàn thiện các quyền, nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai.
7. Dự thảo Luật hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích… Hoàn thiện các cơ chế để Tổ chức phát triển quỹ đất tạo lập quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất…
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Ngày 12/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 1) đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội là phải khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần mới để phát huy tối đa nguồn lực từ đất cho đất nước phát triển. Tuy nhiên, sửa đổi thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai là rất khó. Do đó, đòi hỏi vừa phải có nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng cũng phải thiết thực, hằng ngày…
Tiếp theo, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP về yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện 13 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, trong đó có nhiệm vụ tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên. Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. |