Theo một nghiên cứu được công bố hôm 28/7, hai loài xâm lấn, gồm ễnh ương Mỹ và rắn cây nâu, đã khiến thế giới thiệt hại khoảng 16 tỷ USD trong giai đoạn 1986-2020.
Nguyên nhân được cho là đến từ nhiều vấn đề khác nhau, từ việc làm thiệt hại cây trồng đến mất điện. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, loài ếch nâu xanh mang tên lithobates catesbeianus, gây ra tác động lớn nhất ở châu Âu, Reuters đưa tin.
Nhà nghiên cứu Ismael Soto cho biết loài rắn cây nâu, hay còn gọi là boiga obsularis, đã sinh sôi nảy nở một cách không kiểm soát trên các đảo Thái Bình Dương, trong đó có đảo Guam và quần đảo Marianna, nơi loài này được quân đội Mỹ đưa vào trong Thế chiến II.
Rắn đôi khi nhiều đến mức chúng gây mất điện bằng việc bò lên các thiết bị điện, ông nói.
Từ đó, theo ông Soto, điều này cho thấy sự cần thiết phải đầu tư để kiểm soát việc vận chuyển các loài xâm lấn trên toàn cầu, nhằm tránh phải trả giá đắt cho nỗ lực giảm thiểu tác động sau khi chúng xâm lấn.
Bên cạnh đó, ông cho rằng buôn bán vật nuôi là con đường chính để các loài vật này xâm lấn, đặc biệt là khi mọi người đều muốn có một con rắn kỳ lạ nhất.
“Chúng tôi đề xuất liên tục cập nhật danh sách đen các loài bị cấm buôn bán”, ông Soto nói với Reuters.
Các số liệu được thu thập bằng cách tổng hợp tổn thất liên quan đến những loài xâm lấn, được coi là có độ tin cậy cao, và chủ yếu đến từ các ước tính và ngoại suy, thay vì các quan sát thực nghiệm.