Về mặt nào đó, lớp mai bảo vệ của đồi mồi là điểm yếu lớn nhất của chúng vì nó có những hoa văn tinh xảo và cũng đủ dày để chạm khắc. Mai đồi mồi là loại mai phổ biến nhất, chúng được săn đón trong nhiều thế kỷ để làm các loại đồ vật, từ đồ trang sức, đến khung tranh và các loại thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản (bekko). Mặc dù tất cả các sản phẩm như vậy hiện đã bị cấm buôn bán quốc tế theo Công ước CITES, nhưng nhu cầu cao của thị trường đang thúc đẩy nạn buôn bán bất hợp pháp mai đồi mồi và đẩy loài này tới bờ vực tuyệt chủng.
Hiện tại, những kẻ buôn bán và săn trộm vô đạo đức vẫn có thể qua mặt các cơ quan chức năng vì rất khó để có thể truy xuất nguồn gốc của hàng nghìn sản phẩm từ mai đồi mồ bị tịch thu trên toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, cục diện này có thể thay đổi với sự ra đời của cơ sở dữ liệu DNA của đồi mồi – ShellBank.
Các nhà khoa học ước tính con người đã giết chết khoảng 9 triệu con đồi mồi (Eretmochelys imbricata) để lấy mai trong 180 năm qua. Số lượng đồi mồi trên Trái đất đã sụt giảm tới 75%, hiện ước tính chỉ còn ít hơn 25.000 con cái trưởng thành trong tự nhiên.
ShellBank là sáng kiến do Tổ chức WWF khởi xướng với sự hợp tác của các chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức nghiên cứu và cộng đồng. ShellBank là kho dữ liệu di truyền đồi mồi toàn cầu nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc truy quét nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp đồi mồi, đồng thời giúp các nhà nghiên cứu theo dõi động thái của các quần thể đồi mồi toàn cầu.
Michael Jensen, điều phối viên di truyền học các loài sinh vật biển của Tổ chức WWF-Australia cho biết: “Trước đây, loại dữ liệu này phải được lấy từ các tài liệu đã xuất bản và được các nhà nghiên cứu lưu trữ theo kiểu dữ liệu cá nhân. Cơ sở dữ liệu DNA mới này tổng hợp dữ liệu di truyền từ ba nguồn chính: các sản phẩm từ mai đồi mồi; tại các điểm đồi mồi làm tổ; và đồi mồi trên biển, bao gồm cả các cá thể đi kiếm ăn và bị đánh bắt.
Các nhà chức trách có thể đối chiếu DNA thu thập của các mặt hàng buôn lậu để đối chiếu với cơ sở dữ liệu có sẵn của ShellBank, từ đó truy tìm nguồn gốc hàng hóa. Mặc dù hoạt động đánh bắt đồi mồi thực hiện chủ yếu trên biển, nhưng loài vật này dễ bị tổn thương nhất khi ở trên cạn, nơi làm tổ của chúng. Do đó, các nhà chức trách cũng hướng mục tiêu tới khoanh vùng và bảo vệ những nơi đồi mồi làm tổ để ngăn chặn nạn săn trộm.
Trong hai năm 2020 và 2021, các nhà nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu DNA của ShellBank để truy tìm nguồn gốc của hàng trăm món đồ có nguồn gốc từ đồi mồi được giao dịch tại Úc. Khoảng 60% sản phẩm làm từ mai đồi mồi (còn lại là nhựa hoặc từ các loài rùa khác), thu được có 1/2 có nguồn gốc từ các quần thể rùa ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, 1/4 từ tây nam Thái Bình Dương và một phần nhỏ từ Malaysia, Nhật Bản và Caribe.
Jensen cho biết các nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu DNA của ShellBank ban đầu sẽ tập trung vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – điểm nóng về nhu cầu và tình trạng buôn bán mai đồi mồi bất hợp pháp. Chỉ riêng khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2018, hơn 1.000 sản phẩm từ đồi mồi và một lượng lớn mai đã bị tịch thu ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã truy được dấu vết di truyền của 5 đàn đồi mồi Châu Á – Thái Bình Dương – với 7 vị trí làm tổ riêng lẻ. Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu tăng gấp ba con số đó vào cuối năm 2022, bằng cách hợp tác với các đối tác trong khu vực để lấy nhiều mẫu hơn để hoàn thành hồ sơ di truyền của chúng.
Jensen nói: “Thách thức chính để xác định chính xác vị trí làm tổ của đồi mồi là xây dựng một cơ sở dữ liệu tham khảo toàn diện về tất cả (hoặc hầu hết) các quần thể sinh sản để so sánh với nhau. Khi cơ sở dữ liệu tham chiếu tiếp tục phát triển, chúng tôi có thể truy tìm nguồn gốc các cá thể với độ chính xác cao hơn”.
Người phát ngôn của Viện Nghiên cứu Động vật biển (Lamave) chia sẻ: “Chúng tôi thực sự cần công cụ để có thể làm chậm lại và cuối cùng là ngăn chặn hoạt động khai thác không bền vững đối với các loài rùa biển và sự hợp tác chính là chìa khóa để thành công. Ở một quốc gia như Philippines với hơn 7.600 hòn đảo và hơn 109 triệu dân, dữ liệu này sẽ giúp tập trung và tối đa hóa các nguồn lực hiện có, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn buôn bán trái phép động vật hoang dã.”
Jensen chia sẻ thêm rằng ngoài những khám phá mới về gen, gần đây đã có thêm nhiều các cam kết toàn cầu nhằm giải quyết nạn buôn bán đồi mồi bất hợp pháp ở cấp độ chính sách. Đầu năm nay, chính phủ các quốc gia Campuchia, Myanmar, Philippines và Việt Nam đã thông qua kế hoạch hành động khu vực để bảo vệ riêng loài này. Trong khi đó, số lượng đồi mồi ở Seychelles, quốc gia ở Đông Phi, cũng đang hồi phục sau lệnh cấm nghiêm ngặt đối với các sản phẩm từ đồi mồi.
“Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm làm từ đồi mồi tiếp tục không được kiểm soát sẽ tiếp tục gây áp lực lên các quần thể nhỏ và dễ bị tổn thương. Hy vọng rằng các dự án như ShellBank sẽ giúp chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm làm từ đồi mồi và tạo dựng một môi trường cần thiết cho quần thể đồi mồi có thể phục hồi.” – Jensen nói.
Huyền Trang (Theo Mongabay)