Một robot thám hiểm đại dương đã tìm thấy 55 sinh vật kỳ lạ dưới đáy Thái Bình Dương, trong đó có hơn 30 loài có thể chưa từng được nhân loại biết đến.
Các nhà khoa học từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Vương Quốc Anh đã phân tích các mẫu vật được một robot thám hiểm hoạt động ở đồng bằng sâu thẳm của vùng Clarion-Clipperton ở trung tâm Thái Bình Dương thu thập về.
Robot của Anh đồng hành cùng một robot ghi hình của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA), đã cung cấp cho khoa học thế giới không chỉ những hình ảnh độc nhất vô nhị, mà còn là mẫu vật thực tế từ các loài kỳ dị nơi con người không thể tiếp cận.
Bài công bố trên tạp chí Zookeys cho thấy có sự đa dạng loài cao của các sinh vật trong vực thẳm này.
Trong số 55 mẫu vật được phục hồi tại phòng thí nghiệm, có 48 mẫu thuộc về các loài khác nhau. 36 mẫu trong số đó được tìm tháy ở độ sâu hơn 4.800 m, 2 mẫu thu thập ở 4.125 m, 17 mẫu ở độ sâu từ 3.095 m đến 3.592 m.
Hơn 30 loài trong số đó vô cùng kỳ dị và có thể là các loài mới hoàn toàn chưa được ghi nhận trên thế giới.
“Nghiên cứu này quan trọng không chỉ do số lượng các loài mới tiềm năng mà còn vì những mẫu vật cỡ lớn này trước đây chỉ được nghiên cứu từ các hình ảnh dưới đáy biển. Không có các mẫu vật và dữ liệu DNA mà chúng nắm giữ thì chúng tôi không thể xác định chính xác các loài động vật” – The Guardian dẫn lời tác giả chính, tiến sĩ Guadalupe Bribiesca-Contreras.
Các nhà khoa học Anh vẫn đang tiếp tục đối chiếu bộ gien của các sinh vật kỳ lạ họ đã lấy mẫu với các loài đã biết để xác thực chúng có phải là những loài mới riêng biệt hay không, thuộc những cây gia đình nào, từ đó mới có thể định danh từng loài.