Ước tính từ nay đến năm 2040, nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam có thể lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD. Thông tin đáng chú ý này do Ngân hàng Thế giới – WB vừa đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam.
Thực tiễn, có nhiều bằng chứng cho thấy, thảm họa thiên tai và hiện tượng biến đổi khí hậu – nước biển dâng là một trong những rào cản cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó, có Việt Nam.
WB phân tích, con số 368 tỷ USD dựa trên giá trị thực tế hiện hành. Nếu không dùng biện pháp chiết khấu dòng tiền, số tiền này có thể lên tới 700 tỷ USD. Bởi vậy, Việt Nam cấp thiết phải triển khai ngay từ bây giờ các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời, có các chính sách và đầu tư để giảm cường độ phát thải các-bon trong tiến trình tăng trưởng.
Trong khi đó, khí hậu đã và đang biến đổi hết sức phức tạp. Những cơn mưa lớn cũng kéo dài bất thường hơn, đi cùng với nó là lũ lụt, sạt lở, kéo theo đó là vô vàn hậu quả từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Bao đời nay, thiên tai vốn dĩ khó lường. Từ lũ lụt đến khô hạn, xâm nhập mặn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có điểm chung là những hậu quả vô cùng tàn khốc, không thể lường trước về quy mô và mức độ. Dù đã được dự báo trước có diễn biến khí hậu bất thường hơn cùng với sự ấm lên toàn cầu, song dường như chúng ta vẫn ngỡ ngàng trước những tổn thất đang phải gánh chịu.
Không nói đâu xa, mới bước vào quý II/2022, nhưng chúng ta phải chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan khốc liệt. Mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; bên cạnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động phòng chống thiên tai. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm 2022 đến nay, ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng, gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021. Một con số quá lớn, quá xót xa trong bối cảnh đất nước phải căng mình tập trung mọi nguồn lực để phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19.
Song điều đáng nói là mặc dù, năm nào cũng vậy, công tác dự báo từ Trung ương tới địa phương không ngừng được đầu tư đổi mới “đi trước đón đầu”, thế nhưng không ít địa phương vẫn chủ quan, thiếu các kịch bản cụ thể ứng phó thiên tai, thiếu cập nhật hiện tượng thời tiết cực đoan… Phương châm 4 tại chỗ vẫn còn hình thức, nhiều công trình giao thông gây cản lũ. Hồ chứa nước bên cạnh phục vụ thủy điện, thủy lợi phải chống lũ, chống hạn, không thể gây lũ mà vẫn nói xả đúng quy trình? Xây hồ chứa mà hạn hán lại không có nước cứu hạn? Thành phố ngay cạnh biển mà không thoát được lũ ra biển, bị lụt nhiều ngày, quản lý quy hoạch thế nào mà không tính được đường thoát lũ?…
Câu chuyện tăng trưởng bằng mọi giá “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Không ít địa phương tập trung nguồn lực để xây dựng, phát triển kinh tế, mỗi năm trôi qua, đều phải dồn mọi tâm trí với nỗi lo canh cánh, sợ chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch. Nhưng khi khả năng đó gần như cận kề trong tầm tay, thiên tai và nhân tai cùng kết hợp xuất hiện và lấy đi gần như mọi thứ mà con người chắt chiu tích lũy được. Thiệt hại lớn đâu chỉ là sự mất mát phần của cải vật chất mà là tính mạng của con người – điều quý nhất không thể bù đắp được.
Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu phát triển đất nước phải gắn chặt chẽ hơn với các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu linh hoạt, chủ động, bền vững hơn. Mọi dự án, công trình cần đặt điều kiện số một là sức chống chịu cũng như ảnh hưởng của nó trước bão lũ, nước biển dâng, triều cường, sạt lở đất, nắng hạn. Không thể đòi hỏi có sự thay đổi ngay. Phải nhiều chục năm, nhiều khi hàng thế kỷ nữa may ra chúng ta mới có khả năng ứng phó với tình trạng thay đổi khí hậu trên Trái đất, thậm chí, sự ứng phó đó cũng chỉ dừng ở mức hạn chế thiệt hại.
Nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục tư duy trì trệ thờ ơ, tắc trách mọi lúc, mọi nơi chắc chắn sẽ dung dưỡng cho nhân tai ngày càng dày, thiên tai sẽ còn khôn lường gấp bội. Hàng trăm, hàng nghìn tỷ tiếp tục trôi theo dòng nước… Lúc đó, “canh bạc” với trời kéo dài bất tận với những chua xót, đau thương ngày càng lớn hơn.