Nhiều loài động vật đã trở thành nạn nhân của đợt siêu nắng nóng tại Anh. Hiện tượng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều loài, làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên.
Gần đây, các trung tâm cứu hộ động vật nhận được vô số cuộc gọi đến, hiện tượng chim rơi từ trên trời và động vật trong các khu bảo tồn thiên nhiên chết khô do đợt nắng nóng nghiêm trọng ảnh hưởng.
Thiệt hại lớn
Các chuyên gia lo ngại rằng nhiệt độ cao kỷ lục có thể khiến số lượng côn trùng suy giảm, trong đó ong nghệ và bướm là những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhím, chim non, cáo con và rắn cỏ bị mất nước là một số loài bị tổn thương được Hội Hoàng gia Bảo vệ động vật (RSPCA) cứu hộ, đồng nghĩa rằng mức độ thiệt hại trong điều kiện nhiệt độ 40 độ C là rất lớn.
“Đường dây nóng của chúng tôi bận rộn hơn bình thường. Hôm 25/7, chúng tôi đã nhận được 7.186 cuộc gọi, gia tăng đột biến so với 4.416 cuộc gọi vào ngày 24/7”, Evie Button, phụ trách khoa học tại bộ phận động vật hoang dã tại RSPCA cho biết.
Đã có nhiều báo cáo về những con chim bay rơi khỏi bầu trời ở London. Tổ chức Cứu hộ Động vật Hoang dã Oxfordshire gần Didcot cho biết họ không thể nhận thêm bất kỳ con vật nào nữa khi đợt nắng nóng xảy ra.
Ông Button chia sẻ: “Thường thì bạn sẽ không trực tiếp nhìn thấy tác động của những hiện tượng như thế này vì bản chất của động vật hoang dã là trốn đi khi chúng bị bệnh hoặc bị thương. Chỉ khi chúng ở trong tình trạng rất tồi tệ, mọi người mới nhìn thấy và gọi cho cứu hộ”.
Trường hợp phức tạp nhất phải kể đến trận cháy rừng ở khu bảo tồn Wild Ken Hill ở Norfolk, nơi có 33 ha cây chà là cháy; tổ của chim cu gáy, chích châu châu và chích sậy đều bị thiêu rụi.
Các chuyên gia nói rằng loài bò sát và lưỡng cư có thể chết cháy, còn hầu hết loài chim thoát nạn, trừ những loài làm tổ vào cuối mùa.
Ông Dominic Buscall, quản lý dự án nhận xét: “Tôi thấy một số chim mẹ bay ngược vào đám cháy, có lẽ đó là bản năng mạnh mẽ của chúng. Tôi lo ngại tình trạng này sẽ tái diễn trong năm nay. Thời tiết rất khô, giờ mới chỉ là giữa tháng 7 nhưng không có dự báo mưa trong tuần này”.
Bắt đầu thay đổi hành vi
Những điều đang diễn ra tại Anh chỉ là một phần của bức tranh lớn, khi các đợt nắng nóng xảy ra ngày càng nhiều do áp lực của khủng hoảng khí hậu. Châu Âu thời gian qua như bị thiêu đốt, hỏa hoạn đã xảy ra ở một số nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Pháp. Theo dự báo, các đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên gấp 12 lần vào năm 2040 so với mức bình thường.
Động vật trên khắp thế giới đang thay đổi hành vi để thích nghi với thời tiết. Nghiên cứu cho thấy gấu xám ở Alberta, Canada đang tìm thảm thực vật kín, có bóng râm để tránh nóng trong khi gấu nâu ở Hy Lạp hoạt động mạnh hơn vào ban đêm. “Những kẻ sống sót” sẽ là những loài động vật chịu được trận nắng nóng nhưng sẽ bị tác động tiêu cực như bệnh tật và giảm tăng trưởng.
John Spicer, giáo sư về động vật biển tại Đại học Plymouth, cho biết khu vực thủy triều của cảng Plymouth, nơi kiếm ăn thường xuyên của cua ẩn sĩ và sò khi thủy triều xuống, đã thưa thớt hơn trong đợt nắng nóng. Những con cua còn ở lại đó trông chậm chạp, một số không phản ứng.
Ông Spicer cho biết: “Động vật ở trong vùng triều tỏ ra rất ì ạch” . Ông quan sát thấy những con bọ nhảy cát phải chờ hết nóng thay vì tái tạo chất dinh dưỡng, và thi thoảng sẽ có đợt hàng trăm con chết khô.
Ông nói thêm: “Nếu chúng sống sót sau áp lực nhiệt này, chúng có thể bị tổn thương hoặc nguồn năng lượng sẽ chuyển thành nguồn duy trì sức lực thay vì tăng trưởng và sinh sản”.
Ngay bên ngoài Plymouth, ba loài rong biển quen thuộc đã bị sức nóng ảnh hưởng. Giáo sư Spicer chia sẻ: “Những sinh vật sống cố định, không thể di chuyển thường bị tác động nhiều nhất, như con hà, trai, bọt biển hay hải quỳ”.
Đã có báo cáo về những con bướm lông tím quý hiếm liều mình từ ngọn cây sồi xuống ao để cấp thêm độ ẩm. Nước Anh lo ngại rằng đợt nắng nóng sẽ thiêu rụi những loài cây là thức ăn của côn trùng này, giết chết sâu bướm non, gây ra sự suy giảm nghiêm trọng ở một số loài.
Dave Goulson, giáo sư sinh học tại Đại học Sussex, cho biết ong nghệ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng có kích thước lớn và có lớp lông xù để phù hợp sống trong môi trường mát mẻ. Ở nhiệt độ 40 độ C, chúng sẽ rất khó đi kiếm ăn.
Giáo sư Goulson nói: “Chúng sẽ bị nóng và không thể bay. Điều này giống như việc bạn phải liên tục vỗ cánh 200 lần/giây trong khi mặc một chiếc áo khoác lông thú”. Ong nghệ có dự trữ thức ăn trong tổ để tồn tại trong vài ngày, nhưng chúng sẽ chết nếu thời gian kéo dài thêm.
Đối với một số loài ong nghệ Anh, rất khó để tồn tại khi nhiệt độ tăng thêm 2 độ C. Theo kịch bản tốt nhất, sẽ có 7 loài ong nghệ cơ bản được dự đoán không thể tồn tại ở nhiều vùng đất thấp tại Anh.
Nhìn chung, bò sát và côn trùng là loài động vật thuộc nhóm nhiệt đới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì chúng không thể kiểm soát thân nhiệt. Những loài sống ở các thành phố mà chịu hiệu ứng đảo nhiệt sẽ chịu nhiệt độ khắc nghiệt hơn.
Giải pháp cuối cùng
Nhà sinh thái học Natalie Pilakouta từ Đại học Aberdeen, cho biết: “Môi trường tự nhiên có nhiều cây cối, thảm thực vật và các vùng nước, sẽ tạo nhiều không khí mát mẻ và bóng râm”. Vì vậy theo bà, chúng ta nên đặt máng ăn trong vườn, trạm cấp nước và bể nước để giúp động vật hoang dã vượt qua đợt nắng nóng.
Ông Mike Morecroft, tác giả báo cáo của IPCC về Biến đổi khí hậu 2022, đề xuất các nhà bảo tồn nên tạo ra những cảnh quan có thể chịu được sóng nhiệt tốt hơn. Ông nói: “Điều chúng tôi rất quan tâm là cố gắng một cách thận trọng nhắm vào việc bảo tồn những nơi gọi là vùng biệt cư khỏi biến đổi khí hậu. Ngoài ra, những nơi gần bờ biển sẽ mát hơn, nên biển là vùng đệm cho sự dao động của nhiệt độ”.
Việc kết hợp nước vào cảnh quan sẽ đem lại khả năng chống chịu nhiệt tốt trong mùa hè khô nóng và tích trữ nước trong trường hợp lũ lụt. Điều này sẽ giúp ngăn chặn cháy rừng và giảm tác động của hạn hán khi thời tiết nắng nóng cao vọt. Bởi vì hạn hán, nắng nóng và cháy rừng đều xảy ra cùng một lúc, thật khó để phân biệt tác động của từng loại.
Tuy nhiên, cắt giảm khí nhà kính khẩn cấp mới là ưu tiên hàng đầu. Spicer cho biết các chiến lược giảm thiểu và thích ứng rất có ý nghĩa và mang lại niềm tin cho chúng ta, nhưng sẽ không ngăn cản được “vụ va chạm” sắp tới.
“Tốc độ chúng ta va vào bức tường được xác định bởi lượng khí nhà kính thải ra. Vấn đề là cách chúng ta tránh vụ va chạm đó ra sao mà là chúng ta muốn di chuyển với tốc độ như thế nào. Cắt giảm khí nhà kính mới là điều nên làm, ngay cả khi phải đánh đổi”, ông nói.