Cách đây 20 năm, một dự án bảo tồn, phát triển cây chai lá cong này đã được hình thành tại tỉnh Phú Yên, nhưng không hiểu vì sao đến nay gần như không mang lại hiệu quả, thậm chí rất có thể không còn tồn tại.
Là loài cây đặc hữu ở nước ta, chai lá cong có tên khoa học là Shorea falcata. Theo danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, cây được xếp vào mức rất nguy cấp, các quần thể của loài này có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, vì hiện nay số lượng cây trên thế giới còn rất ít.
Xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu trong những ngày hè, nắng như đổ lửa. Hai trong số khoảng 8 cây chai lá cong cổ thụ có tuổi đời hơn 100 năm còn lại nằm chỏng chơ trên đồi cát nóng rát. Một trong số đó đang có biểu hiện của sự già cỗi trong điều kiện thời tiết cực đoan và có thể chết bất cứ lúc nào. Thế nhưng, việc bảo vệ nó đến thời điểm này gần như bị bỏ ngỏ.
Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu, tỉnh Phú Yên lo lắng: “Chúng ta cần phải có một kế hoạch dài hạn cho loài cây này. Việc đầu tiên là phải tái lập lại, điều tra hiện trạng phân bố của số cây còn lại”.
Thống kê của các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế cho thấy, tại Việt Nam chỉ còn sót lại khoảng 13 cây chai lá cong cổ thụ, chủ yếu tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Một số ít cây khác đang hiện hữu ở khu vực ven biển các tỉnh miền trung.
Theo Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàn, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế: “Chai lá cong là loài cây cực kỳ đặc biệt được đưa vào danh phục sách đỏ, bắt buộc phải bảo vệ. Ngoài thị xã Sông Cầu, ở các tỉnh khác, số lượng cây còn rất ít và các cây này là cây mẹ lớn”.
Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cho biết thêm: “Có rất nhiều chương trình dự án, đề tài khoa học bảo tồn và phát triển loài cây này, nhưng đến nay các nguồn vốn ODA bên ngoài cung cấp vào đã dừng lại”.
Chai lá cong được phát hiện tại Phú Yên từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngoài chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái rất tốt và sử dụng làm gỗ quý đóng tàu thuyền, kèo cột, vật dụng quan trọng trong gia đình, cây còn có giá trị về mặt tâm linh đối với người dân vùng ven biển. Với ý nghĩa đặc biệt còn hiện hữu trong tình trạng mai một, người dân mong muốn chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng khẩn trương bảo tồn, phát triển loại cây quý hiếm này. Cùng với đó, điều tra nguyên nhân vì sao một dự án đã từng triển khai cách đây 20 năm, đến nay gần như không mang lại hiệu quả mong muốn, thậm chí rất có thể đã bị “xóa sổ”.
Liên quan đến bảo tồn loài cây đặc hữu này, năm 2020, một cây chai lá cong gần 400 tuổi ở Vùng 4 Hải quân, thuộc phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây có đường kính 1,7m, cao khoảng 25m, sinh trưởng bình thường và cho ra hoa quả hằng năm.
Qua tìm hiểu được biết, giai đoạn 2002-2026, dự án VIE/01/007 về “Xây dựng mô hình cộng đồng khôi phục, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển hệ sinh thái rừng phòng hộ trên đất cát ven biển” từng được triển khai, nhằm khôi phục cây bản địa chai lá cong quý hiếm ở vùng ven biển 2 xã Xuân Hòa và Xuân Hải, huyện Sông Cầu (nay là thị xã Sông Cầu). Dự án có sự tham gia của 14 hộ dân trồng 4.800 cây chai lá cong trên diện tích 4ha rừng (tỷ lệ cây sống đạt 82%), 35 hộ trồng rừng hỗn giao giữa cây phi lao và cây chai lá cong được 12ha (tỷ lệ cây sống đạt 60%); 51 hộ trồng rừng kinh tế tổng hợp với các loại cây chai lá cong, xoài, điều cao sản, dừa. Hầu hết các rừng chai lá cong thời điểm đó đều phát triển rất tốt, đạt chiều cao trung bình mỗi cây từ 80cm đến 1,2m. Không chỉ trồng chai lá cong, dự án còn xây dựng 20 bếp tiết kiệm năng lượng cho cộng đồng với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Hiểu được giá trị của loài cây quý hiếm, phát triển rất tốt trên vùng đất Sông Cầu, thời điểm đó, nhiều người dân tích cực hưởng ứng. Có người còn tự bỏ chi phí cải tạo đất và vận động người khác cùng trồng. Đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm, ưu tiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng chai lá cong ở vùng ven biển Sông Cầu.
Từ ý nghĩa, hiệu quả bước đầu của dự án, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam-Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP) đã đồng ý cho Hội Nông dân huyện Sông Cầu được sử dụng vốn thu hồi của dự án (vốn do GEF SGP tài trợ) cho cộng đồng trong vùng dự án vay theo quy chế để tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra sau khi dự án kết thúc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đưa cây chai lá cong vào chương trình phát triển cây trồng rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng phân tán trên nhiều chân đất khác.