Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc vừa công bố một báo cáo cho thấy, từ Amazon đến Andes và Patagonia đầy tuyết, thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu đang gây ra hạn hán nghiêm trọng, lượng mưa rất lớn, phá rừng và sông băng tan chảy trên khắp khu vực Mỹ Latinh và Caribe (LAC).
Báo cáo trên với tên gọi “Tình trạng Khí hậu ở Mỹ Latinh và Caribe năm 2021” đã nêu bật những tác động mạnh mẽ đối với hệ sinh thái, an ninh lương thực và nước, sức khỏe con người và đói nghèo.
Theo ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO, báo cáo cho thấy các hiểm họa khí tượng thủy văn, bao gồm hạn hán, sóng nhiệt, sóng lạnh, lốc xoáy nhiệt đới và lũ lụt, đã gây ra thiệt hại đối với hàng trăm người, cũng như thiệt hại đến sản xuất cây trồng, cơ sở hạ tầng và nhiều người phải di dời.
Lượng băng giảm mạnh, nạn phá rừng và mưa lớn
Biến đổi khí hậu đang đe dọa các hệ thống quan trọng trong khu vực, có khả năng gây ra thiệt hại không thể phục hồi. Báo cáo cho rằng, kể từ những năm 1980, các sông băng ở vùng nhiệt đới Andes đã mất 30% diện tích trở lên – với xu hướng cân bằng khối lượng âm (xu hướng lượng băng giảm) trong giai đoạn theo dõi 1990-2020.
Ở Peru, một số sông băng đã mất hơn 50% diện tích. Sự rút lui của sông băng và sự mất mát khối lượng băng tương ứng làm tăng nguy cơ khan hiếm nước cho người dân trên dãy Andes và các hệ sinh thái.
Người đứng đầu WMO cho biết: “Đối với nhiều thành phố ở Andean, các sông băng tan chảy thể hiện sự mất mát của nguồn nước ngọt đáng kể hiện đang được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tưới tiêu và thủy điện”.
Theo báo cáo, nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đã tăng gấp đôi so với mức trung bình năm 2009-2018 và đạt mức cao nhất kể từ năm 2009. Năm ngoái, diện tích rừng bị mất tăng thêm khoảng 22% so với năm 2020, giáng một đòn mạnh cho cả môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Quan chức hàng đầu của WMO cho biết, tại Nam Mỹ, rừng nhiệt đới Amazon vẫn tiếp tục suy thoái đang là mối quan tâm lớn đối với khu vực cũng như khí hậu toàn cầu khi xét đến vai trò của rừng trong chu trình carbon.
Trong khi đó, lượng mưa kỷ lục năm ngoái đã gây ra lũ lụt và lở đất khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại và hàng trăm nghìn người phải di dời.
Riêng lũ lụt và lở đất ở các bang Bahia và Minas Gerais của Brazil đã dẫn đến thiệt hại ước tính khoảng 3,1 tỷ USD.
Mực nước biển và hạn hán gia tăng
Bên cạnh lượng băng giảm mạnh, nạn phá rừng và mưa lớn xảy ra ở khu vực LAC, mực nước biển tại khu vực này cũng gia tăng với tốc độ nhanh hơn các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Nam Mỹ ở phía Nam đường xích đạo và cận nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương và Vịnh Mexico.
Nước biển dâng cao làm ô nhiễm các tầng chứa nước ngọt, xói mòn bờ biển, làm ngập các vùng trũng thấp và làm tăng nguy cơ nước dâng do bão, đe dọa các quần thể ven biển.
Ông Taalas cảnh báo, mực nước biển dâng ngày càng gia tăng và sự ấm lên của đại dương dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sinh kế ven biển, du lịch, y tế, lương thực, năng lượng và nguồn nước, đặc biệt ở các đảo nhỏ và các nước Trung Mỹ.
Ngoài ra, báo cáo cho biết, ở Nam Mỹ nói chung, tình trạng hạn hán đã dẫn đến sự sụt giảm 2,6% trong vụ thu hoạch ngũ cốc giai đoạn 2020-2021 so với vụ mùa trước đó.
Đặc biệt, đợt hạn hán Mega ở Trung Chile, kéo dài 13 năm qua là đợt hạn hán dài nhất trong khu vực trong một nghìn năm. Đồng thời, hạn hán kéo dài nhiều năm ở lưu vực Parana-La Plata – đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1944 đang ảnh hưởng đến miền Trung – Nam Brazil và một số khu vực của Paraguay và Bolivia.
Những thiệt hại về nông nghiệp mà hạn hán gây ra, như giảm sản lượng đậu tương và ngô, đã ảnh hưởng đến thị trường cây trồng toàn cầu.
Ông Mario Cimoli đến từ Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) thuộc Liên Hợp Quốc cho biết: “Biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ hơn đã không chỉ tác động đến đa dạng sinh học của khu vực, mà còn cản trở tiến bộ trong nhiều thập kỷ chống đói nghèo, mất an ninh lương thực và giảm bất bình đẳng trong khu vực”.
Báo cáo nêu rõ thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và hệ sinh thái tự nhiên, có thể cung cấp thông tin về chính sách khí hậu và việc ra quyết định.