Có những mối nguy đối với thực phẩm còn ít người nhận thấy, và điều này dễ dẫn đến các hành vi chủ quan hơn về an toàn thực phẩm.
Mối nguy ít người nhận thấy
Tại tọa đàm báo chí “Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí – Trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật” diễn ra vào sáng 7/6, các nhà nghiên cứu về an toàn thực phẩm của dự án SafePORK đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm vi sinh vật Salmonella trong chuỗi giá trị chăn nuôi lợn ở miền Bắc đang ở mức khá cao, từ 44-58%.
Trong giai đoạn 2014-2015 và 2018-2019, nhóm nghiên cứu đã lấy hàng trăm mẫu thịt gia cầm tại các trang trại, cơ sở giết mổ và chợ truyền thống ở Hưng Yên, Hòa Bình, Nghệ An, Thái Nguyên và Hà Nội để xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật. Kết quả cho thấy đa số các mẫu (>88%) chưa đạt chỉ tiêu về mức độ ô nhiễm vi khuẩn tổng số.
Theo TS Đặng Xuân Sinh,Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), thịt lợn có nguy cơ mang một số mầm bệnh như Salmonella, E. coli, giun xoắn, gạo lợn. Trong đó, vi khuẩn Salmonella là một trong 4 vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm/tiêu chảy hàng đầu ở các nước phát triển và trên toàn cầu.
Tương tự, TS. Phạm Thị Thanh Hoa, cán bộ nghiên cứu của dự án Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe (One Health Poultry Hub) cho biết, trong một nghiên cứu đánh giá sự lây truyền của vi sinh vật gây bệnh trong mạng lưới sản xuất và buôn bán gia cầm tại Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh năm 2019, các kết quả bước đầu cho thấy 100% các mẫu trên gà thu thập ở chợ, trang trại và lò mổ dương tính với vi khuẩn E. coli; 30% số mẫu thu thập trên gà ở chợ, khoảng 50% số mẫu ở trang trại, và 42% số mẫu ở lò mổ dương tính với vi khuẩn Campylobacter; tỷ lệ nhiễm Salmonella trung bình trên các mẫu lấy tại môi trường ở chợ, lò mổ, và trang trại là 34,6%. Đây đều là các loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng ruột, đau bụng, tiêu chảy, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù các nghiên cứu này mới chỉ ra sự hiện diện của vi khuẩn trong các mẫu thực phẩm và chưa xác định được liệu chúng có vượt ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người hay không, nhưng các nhà khoa học muốn bắt đầu lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng về mối nguy ít người để ý này.
Truyền thông “chưa tới”
Kết quả khảo sát giai đoạn 2018-2019 của dự án SafePORK trên 550 người, gồm tất cả những thành phần tham gia trong chuỗi giá trị thịt lợn ở một số tỉnh miền Bắc, cho thấy khi nói đến an toàn thực phẩm, phần lớn người được hỏi (trên 78%) vẫn quan tâm nhiều đến vấn đề ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm. TS. Nguyễn Thị Dương Nga, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và là một thành viên của dự án, nhận xét rằng: “Điều này không mấy thay đổi so với khảo sát cách đây 10 năm”.
Bà nói thêm, nếu các bên trong chuỗi thực phẩm không ý thức đúng mức về những mối nguy sinh học – nhất là với những tác nhân ở cuối chuỗi giá trị như người bán lẻ, người chế biến và người tiêu dùng – thì họ cũng dễ dẫn đến các hành vi chủ quan hơn về an toàn thực phẩm.
Có đến 92% số người được khảo sát cho rằng thịt lợn không an toàn có thể phát hiện qua quan sát bằng mắt thường, nhưng theo TS. Nga điều này không phải lúc nào cũng chính xác. Theo kinh nghiệm, mọi người thường chọn miếng thịt mỡ trắng, loại bỏ thịt có màu đỏ tươi, rực rỡ do nghi ngờ hóa chất. Nhưng việc ô nhiễm trên sàn mổ, dùng chung dao thớt, để lẫn các chất thải động vật với nhau có thể dẫn đến lây chéo vi sinh vật gây bệnh mà chúng ta không thể nhận biết được bằng mắt thường.
41% số người được khảo sát cho rằng, nếu thịt lợn được nấu kỹ sẽ an toàn, tuy nhiên vẫn có các loại vi khuẩn có thể giải phóng ra độc tố gây hại dù ở nhiệt độ rất cao.
Phần lớn người tiêu dùng hiện cho rằng việc gây ra mất an toàn thực phẩm chủ yếu diễn ra ở khâu sản xuất, chăn nuôi (do sử dụng các chất tạo nạc hoặc dư lượng kháng sinh), rất ít người nhận thấy mối nguy ở khâu giết mổ và bán lẻ (do lây nhiễm vi sinh vật)
Sự hiểu biết chưa đầy đủ này có thể hệ quả của việc truyền thông “chưa tới”. Các nhà khoa học và các cơ quan chức năng thường sử dụng các công cụ truyền thống mà để trao đổi thông tin (như các cuộc họp, hội thảo, thảo luận, website…), trong khi đây lại không phải là những kênh mà công chúng yêu thích (như TV, đài phát thanh, mạng xã hội, báo in, báo mạng…).
Bên cạnh đó, theo TS Phạm Đức Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y tế công cộng và hệ sinh thái (CENPHER) thuộc Trường ĐH Y tế công cộng và là một thành viên của dự án SafePORK, công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về an toàn thực phẩm, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn…, nhưng thông tin hiện nay trên các phương tiện truyền thông lại tập trung theo hướng phản ảnh các thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình qua các thực hành bảo quản, chế biến tốt. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp kết nối nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm một cách khoa học và hiệu quả hơn.
Dự án SafePORK (Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn ở Việt Nam) triển khai từ năm 2017-2022 nhằm quản lý tốt hơn các nguy cơ về ATTP ở Việt Nam thông qua việc thiết kế và thử nghiệm các biện pháp can thiệp phù hợp với các chuỗi giá trị thịt lợn chính thức và không chính thức, từ các test nhanh chi phí rẻ đến các chương trình xây dựng thương hiệu và / hoặc chứng nhận cho các sản phẩm thịt lợn.
Dự án do Australia tài trợ, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Các thành viên tham gia dự án bao gồm Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Trường ĐH Y tế Công cộng (HUPH), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Viện Chăn nuôi quốc gia (NIAS) và Đại học Sydney. |