Hỗ trợ những người có nguy cơ cao nhất với căn bệnh đậu mùa khỉ đáng lo ngại này là cách duy nhất để giảm thiểu tác động và ngăn chặn sự lây lan.
Việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 23/7 tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với một căn bệnh khác – lần này là bệnh đậu mùa khỉ – có lẽ là điều cuối cùng mà bất kỳ ai muốn nghe lúc này.
Bệnh đậu mùa khỉ do virus thuộc chi orthopoxvirus có “họ hàng” với bệnh đậu mùa gây ra. Nó bao gồm những triệu chứng tương tự với đậu mùa – sốt, đau đầu, sưng hạch bạch huyết và phát ban.
Đây có thể là một căn bệnh nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong khoảng 3-6%, mặc dù đại đa số người mắc có thể tự phục hồi tại nhà mà không cần nhập viện hoặc dùng thuốc.
Tuyên bố khác thường
Tuyên bố lần này của WHO không bình thường ở chỗ Tổng giám đốc của tổ chức, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã qua mặt Ủy ban Khẩn cấp (một ủy ban cố vấn gồm các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới về virus học, dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng) để nhấn mạnh rằng cần phải gióng tiếng chuông báo động lớn nhất.
Tại cuộc họp hôm 23/7, Ủy ban Khẩn cấp WHO đã không đạt được đồng thuận trong việc liệu có coi đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không. Tuy nhiên, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó đã ra tuyên bố cuối cùng theo thẩm quyền của tổng giám đốc.
Tuyên bố của WHO với đậu mùa khỉ có tên đầy đủ là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) – cảnh báo cao nhất của tổ chức này đối với các đợt bùng phát dịch bệnh.
“Chúng ta chịu các đợt bùng phát lan nhanh khắp thế giới, thông qua phương thức lây truyền mới mà chúng ta có quá ít kiến thức về nó”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.
Đối với một căn bệnh được gọi là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng được quốc tế quan tâm, tức là đã chạm tới một mức độ nghiêm trọng cao nhất. Nó phải “là một sự kiện bất thường được xác định có thể gây ra nguy cơ y tế đến các quốc gia do sự lây lan toàn cầu, có khả năng phải yêu cầu phối hợp phản ứng từ quốc tế”.
Mỗi tháng thường có tới hàng trăm bệnh lây truyền nhưng cho tới nay, mức cảnh báo cao nhất của WHO mới chỉ gọi tên Cúm H1N1 (2009), Poliovirus – virus gây bại liệt (tháng 5/2014), Ebola (tháng 8/2014), virus Zika (tháng 2/2016), Ebola (tháng 7/2019), Covid-19 (tháng 1/2020). Trong đó, Covid-19 và Poliovirus là hai đợt bùng phát mà PHEIC vẫn còn hiệu lực, theo AFP.
Cách ứng phó tốt nhất
Kể từ khi trường hợp đầu tiên ở người được phát hiện vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, các đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ đã được kiểm soát phần lớn và chỉ giới hạn ở khoảng một chục quốc gia châu Phi. Trong những tuần gần đây, số ca mắc bệnh đã lên đến hơn 15.000 trường hợp trên khắp thế giới.
Mối lo ngại của ông Tedros hiện nay là sự gia tăng các ca bệnh và cách thức virus lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới thông qua quan hệ tình dục. Một tài liệu nghiên cứu mới về 528 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ ở 16 quốc gia cho thấy toàn bộ những người mắc bệnh là nam giới, 75% trong số họ là người da trắng và 41% nhiễm HIV. Không có phụ nữ nào nằm trong số các trường hợp mắc bệnh, và 95% trường hợp được cho là có liên quan đến lây truyền qua đường tình dục.
Những phát hiện này rất quan trọng trong việc phát triển một chương trình ứng phó y tế cộng đồng hiệu quả và phù hợp để ngăn chặn sự lây lan, trong đó cần tập trung chủ yếu vào nhóm có nguy cơ cao nhất.
Đây là một trường hợp khẩn cấp khá khác biệt với Covid-19 và bại liệt, cũng là những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được WHO theo dõi.
May mắn là thế giới đã có một loại vaccine hiệu quả – được phát triển cho bệnh đậu mùa – nay được phê duyệt để phòng ngừa bệnh đậu mùa ở khỉ. Tuy nhiên, loại vaccine này hiện không dễ tìm, ở cả những nước có nền y học phát triển như Mỹ, Anh…
Phản ứng cần thiết đối với bệnh đậu mùa khỉ là nỗ lực tiêm chủng mạnh mẽ, trước tiên là ở những người nguy cơ cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ và cơ hội tiếp cận vaccine. Cần có thông điệp và giáo dục rõ ràng để nâng cao nhận thức về các triệu chứng và xét nghiệm, đồng thời hỗ trợ những người muốn cách ly và cần nghỉ làm.
Chỉ khuyến cáo mọi người không nên quan hệ tình dục sẽ không mang lại hiệu quả. Sẽ hiệu quả hơn nếu chỉ ra cách giảm thiểu rủi ro và bảo vệ bản thân.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài nhiều năm đã đủ gây mệt mỏi, các nhà lãnh đạo y tế công cộng không muốn hù dọa quá đà. Tuy nhiên, đây là một tình huống nghiêm trọng và là một tình huống khẩn cấp toàn cầu thực sự, như WHO đã tuyên bố rõ ràng.
Thay vì mệt mỏi, hoài nghi và phó mặc cho số phận, đã đến lúc các chính phủ phải tăng cường phản ứng phù hợp, theo giáo sư Devi Sridhar, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng toàn cầu của Đại học Edinburgh.
Câu chuyện ở đây không phải là phong tỏa hay giãn cách xã hội, mà là giám sát, xét nghiệm, hỗ trợ tự cách ly, thông báo rõ ràng, tiếp cận với các nhóm có nguy cơ cao nhất và quan trọng nhất là tiêm chủng có mục tiêu.
Các nước Tây Phi đã phải vật lộn với bệnh đậu mùa khỉ trong nhiều năm. Điều này ít thu hút sự chú ý từ các quốc gia giàu có hơn và dịch bệnh đã bùng phát trong sự thiếu thốn về mọi mặt, từ đầu tư chữa trị tới nguồn vaccine.
Đậu mùa khỉ một lần nữa trở thành lời nhắc nhở rằng một căn bệnh lan truyền ở bất cứ đâu, dù con người có thể tưởng nó ở xa tới mức không thể chạm tới.
Lịch sử nhân loại sống sót sau những đợt bùng phát dịch bệnh cho thấy rằng cách tiếp cận tốt nhất là tập thể; rằng nếu một đám cháy đang bùng phát trong khu vườn của hàng xóm nhà bạn, điều bắt buộc là phải giúp họ dập tắt ngọn lửa. Không chỉ vì đó là điều đúng đắn cần làm, mà còn vì sắp tới đây nó có thể khiến ngôi nhà của bạn cũng bốc cháy.