Trong vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin, người dân và doanh nghiệp đều cho rằng, văn bản số 2249 của Sở NNPTNT là “cho phép” khai thác. Đáng chú ý là văn bản này huyện không biết, xã cũng không biết vì nó được gửi thẳng cho các hộ dân.
Mập mờ văn bản hướng dẫn khai thác
Như Lao Động đã phản ánh trong bài: Vì sao vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin bất động sau hơn 1 năm? Theo đó, Quyết định khởi tố vụ án phá rừng trên đỉnh Pha Đin đã được ban hành từ 20.9.2021 và giao Công an huyện Tuần Giáo thụ lý. Thế nhưng sau hơn 10 tháng, người dân vẫn chưa biết ai sẽ bị khởi tố bị can? Người dân, doanh nghiệp hay những cán bộ liên quan?
Trong quá trình tìm hiểu về vụ việc nhiều hecta rừng phòng hộ ở đỉnh đèo Pha Đin, thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên bị doanh nghiệp và người dân công khai chặt phá vào tháng 7.2021, chúng tôi được những người liên quan nhắc đến một văn bản mà theo họ hiểu là “giấy phép”.
Đó là văn bản số 2249/SNN-CCKL, ngày 17.11.2020 của Sở NNPTNT Điện Biên về việc “Hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu theo kiến nghị của cử tri xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo”.
Trao đổi với PV tại lán ở của công nhân, ông Trần Duy Tuấn đại diện đơn vị trực tiếp khai thác và thu mua gỗ cho biết: “Sở NNPTNT ra một văn bản là tỉa thưa 20%, có văn bản đó rồi thì bọn tôi mới biết, mới dám khai thác”.
Còn ông Lầu A Dùa – Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình thì cho rằng: Việc khai thác của doanh nghiệp khi chưa có văn bản cho phép là sai. Nếu coi văn bản số 2249 của Sở NNPTNT là “cho phép” như doanh nghiệp nói thì cũng chỉ là cho khai thác tỉa 20%.
“Tôi đi kiểm tra thì họ không tỉa đâu, có cây to là họ hạ hết” – ông Dùa nói.
Tại buổi làm việc với PV, ông Phạm Việt Hùng – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo cho rằng: “Theo công văn trả lời của Sở NNPTNN (văn bản số 2249), người dân đọc cũng chưa hiểu hết. Bà con đang khai thác 20% diện tích mà bà con được hưởng”.
Về phía chính quyền huyện, bà Phạm Thị Tuyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo – lại khẳng định: “Huyện không nhận được văn bản này mà Sở NNPTNT gửi trực tiếp về cho các hộ dân nên huyện không nắm được”.
Như vậy văn bản số 2249 có phải được ban hành để “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp và người dân khai thác – như lời ông Trần Duy Tuấn (đại diện đơn vị trực tiếp khai thác) nói?
Vì thế, ông Tuấn tự tin cho rằng: “Chúng tôi đã đi từ tỉnh đến huyện về rồi” nên mới dám khai thác!”. Còn ông Phạm Việt Hùng – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thì cho rằng: “Dân ngại va chạm với chính quyền nên nhờ doanh nghiệp đứng ra lo thủ tục”. Vì kiểm lâm và doanh nghiệp đã nói như thế khiến ông Lầu A Dùa – Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình phải thốt lên rằng: “Tôi cũng không biết nói gì thêm”…
Sở NNPTNT Điện Biên có vai trò gì?
Trong một diễn biến liên quan đến thẩm quyền cho khai thác, đầu tháng 6.2021, hơn 100 hộ dân ở Bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng (Điện Biên) nộp đơn xin khai thác hơn 40 ha rừng thông đủ điều kiện khai thác theo quy định. UBND huyện Mường Ảng đã có tờ trình đề nghị Sở NNPTNT không cho khai thác để tạo cảnh quan…
Sau đó, Sở NNPTNT đã có văn bản trả lời rất rõ ràng: Không cho khai thác với lý do “để tạo cảnh quan” và “tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn còn thấp” đúng như nội dung UBND huyện Mường Ẳng đề nghị mà không viện dẫn bất kỳ 1 căn cứ pháp lý nào!
Thế nhưng, với người dân bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình thì Sở NNPTNT lại có cách ứng xử hoàn toàn khác. Sau khi chính quyền xã, huyện chuyển đơn thư xin khai thác rừng của người dân để xin phép khai thác thì thay vì trả lời cho hay không cho khai thác, Sở NNPTNT lại ban hành văn bản số 2249/SNN-CCKL về việc “hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác…”.
Văn bản này cũng là chính là cái mà doanh nghiệp khai thác gỗ đã lợi dụng, coi là “giấy phép” để ngang nhiên chặt hạ những cánh rừng đang xanh tốt trong hơn 3 tháng, trước sự bất lực của chính quyền và lực lượng kiểm lâm!
Sở NNPTNT Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án khi người dân có nhu cầu khai thác rừng theo quy định. Thế nhưng, với việc “không cho khai thác” và “hướng dẫn khai thác” như 2 trường hợp nêu trên thì Sở NNPTNT có đang coi “thẩm quyền” là “đặc quyền” mà không cần quan tâm đến các quy định.
Hiện dư luận tại Điện Biên vẫn đang đặc biệt quan tâm đến vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin và đặt câu hỏi: Văn bản 2249 của Sở NNPTNN có phải một dạng “giấy phép”, một tín hiệu “đèn xanh” để doanh nghiệp tự tung tự tác phá rừng trước sự bất lực của chính quyền và lực lượng kiểm lâm trong nhiều tháng!