Mưa lớn kèm lốc xoáy làm sập và tốc mái hàng chục căn nhà của người dân. Nền đất mềm kết hợp với triều cường cũng đã gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 điểm sạt lở, làm mất 1.105m bờ sông, rạch cùng với nhiều diện tích đất và ảnh hưởng đến nhà cửa, công trình và nơi ở, hoạt động sản xuất, kinh doanh của 36 hộ ở gần, thiệt hại về tài sản hơn 3,2 tỷ đồng.
Tối 17/7, một đoạn đường đan có chiều dài khoảng 40m ở ấp Trung Tín, thị trấn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bất ngờ bị “hà bá” nuốt chửng ngay trong đêm. Vụ sạt lở ảnh hướng đến 4 hộ chung quanh và cắt đứt đường giao thông đi lại của người dân. Những ngày sau đó, vết nứt cứ dần lan rộng và đất bị cuốn xuống lòng sông.
Chị Lê Thị Tuyết Mai đã sống ở đây gần 50 năm cho biết khu vực này bị sạt lở thường xuyên nhưng chỉ ở những điểm nhỏ. Tuy nhiên năm nay, tình trạng sạt lở này xảy ra sớm hơn và nặng hơn.
Bà Tạ Thị Năm, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, chưa hết bàng hoàng kể: “Không chỉ đường đan bị nước cuốn trôi, chuồng gà mấy chục con của nhà tôi cũng bị thiệt hại. Mấy ngày nay mất ăn mất ngủ vì đùng một cái mất đi tài sản. Những ngày qua, nơi đây có dấu hiệu tiếp tục sạt lở…
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũng Liêm Tạ Văn Rỗi cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở đã kịp thời huy động lực lượng đến để hỗ trợ người dân trong việc di dời tài sản, vận động người dân không ở lại trong khu vực này.
Trước đó, khoảng 22 giờ 30 phút ngày 11/7, một đoạn sạt lở có chiều dài 40m, rộng 10m, sâu 7m làm mất một đoạn đường đan rộng 3,5m vừa thi công xong và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân trong khu vực.
Chính quyền xã Chánh An, huyện Mang Thít cho biết, đường đan bị sạt lở là tuyến đê bao sông Măng đi qua địa bàn xã dài khoảng 5km. Hiện tại, đơn vị thi công đã đổ đan được khoảng 800m. Tuy nhiên, trong khu vực ấp Tân An vẫn còn nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở .
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, hằng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 tuyến/điểm sạt lở, làm mất 5-6km bờ sông, kênh, rạch nội đồng và sông chính, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 điểm sạt lở, làm mất 1.105m bờ sông, rạch cùng với nhiều diện tích đất và ảnh hưởng đến nhà cửa, công trình và nơi ở, hoạt động sản xuất, kinh doanh của 36 hộ ở gần, thiệt hại về tài sản hơn 3,2 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, UBND tỉnh đã ra quyết định công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp tại 19 khu vực bờ sông ngòi, kênh, rạch, đê bao bị sạt lở với chiều dài gần 9.500m trong tổng số 387 khu vực đã xảy ra sạt lở (dài 13.250m); trong đó, năm 2020 có 10 khu vực, năm 2021 có 6 khu vực và 5 tháng đầu năm 2022 có 3 khu vực.
Về nguyên nhân gây ra sạt lở, ngoài yếu tố tác động do tự nhiên (như dòng chảy, biến đổi khí hậu), gần đây tác động của con người cũng rất đáng kể làm gia tăng xói lở (như nạo vét kinh, rạch quá mức để đắp bờ bao, đường giao thông làm mất ổn định bờ sông gây sạt lở, do xây dựng nhà cửa, kè sông lấn lòng sông, lòng kinh làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở phía bờ đối diện…).
Để phòng, chống sạt lở, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cũng đã có kế hoạch triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện một số công trình phòng chống sạt lở, ngăn lũ, triều cường với tổng kinh phí khoảng 1.249 tỷ đồng. Đến nay, các công trình thực hiện ước đạt 40% đến 90% khối lượng.
Trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư một công trình để phòng, chống sạt lở 3 dự án lớn với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.348 tỷ đồng.