Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại là lời cảnh báo đến toàn cầu cần duy trì các biện pháp chống dịch trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ lây lan diện rộng.
Mới đây, Ủy viên phụ trách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh Châu Âu (EU) Stella Kyriakides cho rằng các nước thành viên EU nên lập tức triển khai các công tác chuẩn bị ứng phó nguy cơ bùng dịch COVID-19 trong mùa Đông và mùa Thu năm nay.
Theo bà Kyriakides, đại dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu và có những dấu hiệu đáng lo ngại và ngày càng gia tăng về các đợt bùng phát mới của dịch bệnh tại một số quốc gia. “Trong hai tháng qua, chúng tôi đã chuẩn bị cho những đợt dịch mới có thể xuất hiện trong mùa Thu và mùa Đông năm nay, và nhận thức đầy đủ rằng sẽ không thể để cho làn sóng tiếp theo của đại dịch tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế hoặc xã hội của chúng ta, đặc biệt là vào thời điểm mà chúng ta đang chịu ảnh hưởng từ chiến sự Nga- Ukraine, cũng như tình hình lạm phát”, bà Kyriakides cho biết.
Tương tự, tại châu Úc, số liệu chính thức cho thấy số ca mắc COVID-19 phải nhập viện tại Australia tăng kỷ lục, lên đến 5.450 ca vào ngày 25/7 trong bối cảnh làn sóng dịch mới do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây áp lực lên hệ thống y tế quốc gia này.
Tại châu Á, sự lây lan của dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron mới xuất hiện lại một lần nữa đặt thủ đô Bangkok, Thái Lan vào tình trạng báo động cao về một đợt bùng phát khác. Theo Tiến sĩ Yong Poovorawan, người đứng đầu Trung tâm Virus lâm sàng tại Khoa Y thuộc Đại học Chulalongkorn, sự biến đổi từ biến thể BA.2 phổ biến của Omicron sang biến thể BA.5 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc bệnh gần đây.
“Thái Lan và các quốc gia khác sẽ đối mặt với đợt bùng phát lần thứ 6 của dịch bệnh với tỷ lệ lây nhiễm cao hơn so với các đợt bùng phát dịch bệnh trước đó do đây là biến thể dễ lây nhiễm nhất cho tới nay vì có khả năng tránh được sự đề kháng của cơ thể người được tạo ra sau khi tiêm vaccine phòng bệnh hoặc bị nhiễm virus SARS-CoV-2”, ông Yong Poovorawan cảnh báo.
Ông Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu đánh giá, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, trong khi nỗ lực ngăn chặn căn bệnh này đang chậm lại. Với sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, sự suy giảm hiệu quả vaccine sau tiêm chủng và nguy cơ lây nhiễm cao hơn trong những tháng mùa Thu hoặc mùa Đông, một làn sóng COVID-19 nhiều khả năng sẽ diễn ra.
Ông Hans Kluge chỉ ra rằng kháng thể từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên đều không cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ. Đây cũng là lý do khiến BA.4 và BA.5 trở thành hai biến chủng trội. “Chúng không dẫn đến các triệu chứng nặng hơn. Tuy nhiên, cũng giống với các đợt bùng phát trước, ca nhiễm gia tăng nói chung cũng khiến số người chết và nhập viện cao hơn”, ông Kluge nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc chính phủ nhiều quốc gia từ lâu đã gạt bỏ viễn cảnh COVID-19 nguy cấp như giai đoạn đầu, loại bỏ các quy định về khẩu trang, và chỉ kêu gọi người dân tiêm chủng tự nguyện, tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao mắc bệnh cũng thúc đẩy số ca nhiễm tăng nhanh.
Ông Martin McKee, Giáo sư y tế công cộng tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết “COVID-19 chưa phải là bệnh đặc hữu. Không có gì đảm bảo vaccine hiện tại sẽ tiếp tục hiệu quả chống lại các biến chủng trong tương lai. Các quốc gia cần siết chặt lại các biện pháp phòng dịch để tránh dịch bệnh tái bùng phát mạnh mẽ, gây áp lực lên hệ thống y tế công cộng.
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, các nước cần đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi tăng cường và kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, sát khuẩn tay thường xuyên và theo dõi chặt chẽ tính hình dịch trong khu vực để tránh bùng phát “làn sóng dịch kép” COVID-19 và đậu mùa khỉ.