Nắng nóng khắc nghiệt ở Tây Âu đang gây ra cháy rừng tàn khốc ở Pháp và Tây Ban Nha, hạn hán chưa từng có ở Ý và Bồ Đào Nha, và Vương quốc Anh đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất lịch sử, với hơn 40 độ C vào ngày 19/7 tại sân bay Heathrow của London. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, cần tìm kiếm giải pháp tham vọng cho sự nóng lên toàn cầu.
Với nhiệt độ dự kiến sẽ duy trì trên mức bình thường cho đến giữa tuần tới, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, các đợt nắng nóng sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn vào những năm 2060.
WMO cho biết, mô hình thời tiết này liên quan đến sự ấm lên của hành tinh có thể do hoạt động của con người, gây ra những lo ngại lớn cho tương lai của hành tinh.
Không thể tránh khỏi sự nóng lên toàn cầu
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký của WMO cho biết: “Dự báo, nắng nóng sẽ gây ra những tác động lớn đến nông nghiệp. Trong các đợt nắng nóng trước đây ở châu Âu, khu vực này đã mất một phần lớn sản lượng thu hoạch. Và trong tình hình hiện tại, khi chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đợt nắng nóng này sẽ có tác động tiêu cực hơn nữa đến các hoạt động nông nghiệp”.
Tại một số quốc gia, một số lĩnh vực kinh tế – bao gồm cả du lịch chỉ mới bắt đầu phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 – đang phải gánh chịu hậu quả.
Ông Taalas cho biết: “Xu hướng tiêu cực về khí hậu sẽ tiếp tục ít nhất cho đến những năm 2060, ngay cả khi chúng ta đạt được thành công trong việc giảm thiểu khí hậu. Sông băng sẽ tiếp tục tan chảy trong hàng trăm năm hoặc thậm chí, hàng nghìn năm tới… Mực nước biển dâng sẽ tiếp tục diễn ra trong cùng khoảng thời gian này”.
Ông Taalas phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về các hình thái thời tiết khắc nghiệt và ngày càng nhiều cảnh báo màu đỏ về thời tiết trên khắp châu Âu. WMO tuyên bố, đợt nắng nóng ở châu Âu có thể sẽ không kết thúc cho đến giữa tuần tới.
“Tham vọng” là chìa khóa
WHO giải thích, sóng nhiệt cũng hoạt động như một loại nắp khí quyển, giữ lại các chất ô nhiễm và làm suy giảm chất lượng không khí, gây ra những hậu quả cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương như người già. Trong đợt nắng nóng lớn ở châu Âu vào năm 2003, khoảng 70.000 người đã thiệt mạng.
Bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách sức khỏe và môi trường cộng đồng tại WHO cảnh báo, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách, không chỉ bởi các đợt nắng nóng gây ra hậu quả trực tiếp, mà còn cả các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thiết yếu khác, chẳng hạn như mức độ gia tăng của bệnh tật.
Bà giải thích, khả năng tiếp cận đáng tin cậy với thực phẩm và nước đang bị đe dọa, cũng như mức độ sản xuất nông nghiệp đang gặp rủi ro và chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm nước.
Ngoài ra, 99% dân số toàn cầu đang hít thở không khí không đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tác động rất lớn đến các bệnh mãn tính về hô hấp và tim mạch.
Bà Neira cho rằng, cần giải pháp tham vọng cho vấn đề này là giải quyết các nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu này. “Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, điều này cũng sẽ tác động đến cuộc chiến để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không và quá trình chuyển đổi quan trọng sang các nguồn năng lượng sạch, tái tạo”, bà nhấn mạnh.
Người cao tuổi và những người gặp vấn đề về sức khỏe sẽ có nguy cơ tử vong nhiều hơn do đợt nắng nóng được dự báo diễn ra trong những tuần tới và đó là khoảng thời gian hệ thống y tế gặp nhiều thách thức để giải quyết vấn đề về thời tiết.