Khai thác cát quá mức đã dẫn đến những hậu quả môi trường – xã hội không thể vãn hồi.
“Nhìn cận cảnh bản đồ vệ tinh sông Mekong ở khắp nơi ở Campuchia hay Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh các cần cẩu và tàu chuyên chở cát nằm dọc theo bờ sông. Tình trạng khai thác cát quá mức đang tàn phá môi trường, hủy hoại dòng sông Mekong”, Tiến sĩ Edward Park tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định.
Theo ông Park, việc sử dụng hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao và bản đồ rạch sông có thể giúp theo dõi sự phân bố theo không gian của những kẻ khai thác cát lậu và tàu hút bùn, từ đó đưa ra ước tính về lượng cát khai thác trên thực tế. Năm 2015, tổng lượng cát được khai thác ở đồng bằng sông Cửu Long là 38 triệu m3. Đến năm 2018, mức ước tính lên đến 43 triệu m3, hơn gấp đôi dữ liệu được công bố chính thức. Con số này tiếp tục tăng vào năm 2020, khoảng 47 triệu m3.
Cát đang là tài nguyên được khai thác nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau nước, chủ yếu do nhu cầu dùng cát trong xây dựng hạ tầng, như đường sá hay nhà cửa. Giống như nước, nguồn tài nguyên có vẻ dư thừa này được dự báo sẽ đến lúc cạn kiệt do nạn khai thác quá mức, đặc biệt là cát dưới lòng sông vì thích hợp làm vật liệu xây dựng công trình (cát sa mạc hay cát biển quá nhẵn, trơn mịn nên gần như không thể sử dụng).
Khai thác cát trên quy mô lớn ở sông Mekong đã có từ đầu thập niên 1990, một phần để phục vụ nhu cầu trong nước, nhưng chủ yếu được xuất sang các đại đô thị trong khu vực như Hồng Kông, Đài Bắc, Seoul, Singapore.
Khai thác cát quá mức đang mang đến những hậu quả môi trường không thể vãn hồi như phá hủy môi trường sống của nhiều sinh vật ven sông, gây sụt lún, làm nước biển dễ xâm nhập, đe dọa sinh kế của người dân sinh sống ở vùng châu thổ. Cùng với sự bành trướng của các đập thủy điện trên các con sông lớn tại Đông Nam Á, nhiều năm nay đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với tình trạng xói lở bờ sông/bờ biển nghiêm trọng do lượng phù sa đổ về ngày càng ít đi trong khi nguồn cát dự trữ cũng vơi dần. Đó là lý do gần đây, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) nhận định khai thác cát là một trong những thách thức bền vững chủ yếu của thế kỷ 21.
Trong thập niên qua, 5 tỉnh đồng bằng sông cửu Long là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng đã cấp phép khai thác 114 triệu tấn cát, tương đương với gần 7 tấn trên mỗi người dân sinh sống ở đó. Số lượng cát được khai thác trên thực tế còn cao hơn rất nhiều do nạn khai thác lậu vẫn còn phổ biến ở khu vực này.
Những hộ dân sống ở khu vực bị khai thác cát nhiều nhất có nguy cơ mất nhà cửa cao nhất. An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh có lượng khai thác nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, lần lượt là 5,3 triệu m3 và 5,5 triệu m3 hằng năm. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi 2 tỉnh này cũng dẫn đầu về số nhà cửa có nguy cơ bị mất do sụt lún và cần phải di dời: 5.300 ngôi nhà ở An Giang và 6.400 ngôi nhà ở Đồng Tháp.
Vấn đề nằm ở chỗ dẹp bỏ nạn khai thác cát lậu nhưng nỗ lực của giới chức trách được ví như “bắt cóc bỏ dĩa”. Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Cần Thơ, tình trạng khai báo không thật số lượng cát khai thác và làm giả hồ sơ rất phổ biến ở nhiều công ty và rất khó để kiểm soát. Vào năm 2020, cảnh sát đường thủy của Cần Thơ kiểm tra 27 đơn vị khai thác cát và đã phát hiện ra nhiều vi phạm, trong đó 2 đơn vị đã bị đóng cửa và 3 người bị khởi tố.
Có một thị trường chợ đen cho cát có xuất xứ từ Việt Nam. Khó có thể ước tính số lượng nhưng một cơ sở dữ liệu của Liên Hiệp Quốc so sánh dữ liệu xuất khẩu cát của Việt Nam với số liệu nhập khẩu tương ứng từ các quốc gia nhập cát cho thấy một khối lượng lớn cát đã qua mặt các cơ quan chức năng.
Việt Nam báo cáo thu về 212 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu cát giai đoạn 2011-2020. Trong cùng thời kỳ, các quốc gia khác báo cáo cát nhập khẩu từ Việt Nam trị giá gần 705 triệu USD, gấp 3,3 lần con số mà Việt Nam đã báo cáo. Mức chênh lệch lớn nhất được ghi nhận là vào năm 2014, tới 120 triệu USD. Sau khi Việt Nam cấm xuất khẩu cát vào năm 2017, chỉ một số hợp đồng xuất khẩu đã ký trước thời điểm này mới được tiếp tục triển khai. Kể từ đó mức chênh lệch nói trên mới giảm hẳn.
Chắc chắn nhu cầu cát ở đồng bằng sông cửu Long chỉ có tăng mà không giảm. Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cho biết khai thác cát ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể ngừng lại khi nhu cầu cát lên tới 100 triệu m3 mỗi năm.
Theo lý giải của ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, đó là bởi vì đồng bằng sông cửu Long nằm ở vùng trũng mà lại ngày càng sụt lún. Do thực tế này, cơ sở hạ tầng như đường sá, các công trình tòa nhà luôn phải nâng nền cao hơn so với mực nước sông. Một khi chưa có các vật liệu khác có thể thay thế cát thì nhu cầu đối với cát sẽ không bao giờ giảm.
Nhu cầu là có thực, vậy câu hỏi đặt ra là phải khai thác cát ở đâu và khai thác thế nào để hạn chế các tác động tiêu cực? Tại An Giang, việc quản lý khai thác cát được chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 là những khu vực có rủi ro bị sụt lún sẽ phải ngừng cấp phép và không được gia hạn cho những giấy phép đã được cấp trước đó. Nhóm 2 là những khu vực mà việc khai thác cát được cấp phép thông qua đấu thầu, nhưng khối lượng khai thác bị hạn chế. Hiện tại, nhóm này có 11 đơn vị được cấp phép với công suất gần 5,3 triệu m3 mỗi năm. Nhóm 3 là nạo vét chỉnh trị dòng chảy. An giang có 7 khu vực nạo vét như vậy, cung cấp tới 80% cát cho tỉnh này.
Kể từ năm 2016, Chính phủ đã phân bổ 12.000 tỉ đồng (516 triệu USD) để khắc phục tình trạng xói lở bờ sông/bờ biển tại những địa điểm có tổng cộng chiều dài 375 km ở đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với việc cấm khai thác cát, Chính phủ cũng đã ban hành các quy định nhằm ngăn cản tình trạng nạo vét quá mức. Việt Nam cũng đang tìm cách sản xuất cát nhân tạo.
Tuy nhiên, mối lo ngại vẫn còn đó. Một phần là vì cát chỉ được xem là một dạng vật liệu xây dựng thông dụng theo Luật Khoáng sản và giấy phép được cấp bởi từng tỉnh riêng lẻ. Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng cần phải nhìn nhận lại vai trò của cát khi cát cũng góp phần giữ gìn lãnh thổ. Khai thác cát nên được quản lý ở cấp liên tỉnh, để cân bằng tác động tạo ra trên khắp đồng bằng sông Cửu Long. “Nếu tiếp tục khai thác cát với tốc độ hiện tại, chúng ta có thể phải vẽ lại bản đồ đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai khi bờ biển/bờ sông bị xói lở”, ông Thiện nói.
Còn hiện tại, hàng ngàn hộ dân phải sống phập phồng do tình trạng xói lở cứ diễn ra mỗi ngày. Tại 5 tỉnh, thành gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau, có tới 20.000 ngôi nhà nằm ở các khu vực dễ bị sụt lún và cần phải di dời với tổng phí di dời lên tới 5.000 tỉ đồng (tương đương 215 triệu USD)