Các quan chức cho biết hơn 100 triệu người Mỹ, từ khu vực phía tây đến đông bắc, đang hứng chịu đợt nắng nóng nguy hiểm.
Khoảng 100 triệu người Mỹ, từ California đến New England, đang đổ mồ hôi khi nghe những lời khuyên và cảnh báo từ Cơ quan Thời tiết Quốc gia vào ngày 20/7, trong bối cảnh đợt nắng nóng tàn khốc càn quét miền Trung nước này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, theo New York Times.
Trong khi đó, các khu vực từ Arizona đến Louisiana đã ghi nhận mức nhiệt gần 40 độ C. Chuyên gia cảnh báo khoảng 1/3 dân số Mỹ đang sống trong khu vực nắng nóng và tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
“Nắng nóng như thiêu đốt vẫn sẽ là thông tin thời tiết chính trong ít nhất vài ngày tới”, Cody Snell, nhà khí tượng học của NWS, cho biết.
Thời tiết oi bức
Vào ngày 20/7, thời tiết trở nên đặc biệt oi bức ở trung tâm California, khu vực phía tây nam, phía đông bắc, và các tiểu bang Trung Đại Tây Dương, nơi có mức cảnh báo nhiệt cao.
Theo Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia, tình trạng này có thể khiến 86 đám cháy đang bùng lên khắp nước Mỹ vào ngày 20/7, lan rộng và nghiêm trọng hơn.
Giới chức nhiều thành phố đã mở các trung tâm làm mát để giúp người dân tránh nắng. Thành phố Boston đã ban bố tình trạng thời tiết khẩn cấp cho đến hết ngày 21/7, theo Wall Street Journal.
Trong khi đó, Thống đốc bang Connecticut Ned Lamont đã kích hoạt chương trình ứng phó với nhiệt độ cao. Tại New York, Thống đốc Kathy Hochul cũng cảnh báo người dân nên ở trong nhà vì tình trạng nóng ẩm.
Philadelphia lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe do nhiệt độ tăng cao vào ngày 21/7, trước dự báo đợt nóng ẩm sẽ kéo dài thêm 3 ngày. Chính quyền bang cũng thiết lập một đường dây y tế đặc biệt, tạo ra các địa điểm làm mát và xây dựng hệ thống sân phun nước cho hàng chục công viên để cư dân có nơi giải nhiệt.
Ngày 19/7 là ngày nóng nhất trong năm ở Oklahoma và phía tây bắc Texas, theo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia ở Norman. Nhiệt độ cao nhất là hơn 47 độ C, được ghi nhận tại hai địa điểm trong tiểu bang.
Dallas cũng chạm mốc 43 độ C vào ngày 19/7, phá kỷ lục từ năm 2018. Khu vực phía Bắc Texas cũng ghi nhận mức nhiệt 44 độ C vào ngày 20/7, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia ở Fort Worth.
Hàng loạt cảnh báo
Ông Andrew Orrison, nhà khí tượng của Cơ quan Thời tiết Quốc gia, cho biết nhiều cảnh báo và khuyến cáo liên quan đến tình trạng nắng nóng đã được áp dụng ở 28 tiểu bang trên khắp nước Mỹ.
Trong đó, người dân ở phía nam và đông nam vùng đại bình nguyên phải đối mặt với nhiệt độ ngột ngạt nhất, dao động ở mức 40 độ C vào ngày 20/7.
“Tình trạng nắng nóng này chắc chắn rất nguy hiểm”, ông Orrison nói.
Trong khi đó, Cơ quan Lâm nghiệp Texas A&M cho biết thời tiết khô nóng làm tăng khả năng xảy ra cháy rừng ở nhiều khu vực trong tiểu bang. Vào ngày 20/7, cơ quan này phải ứng phó với 24 vụ cháy rừng, tàn phá hơn 31 triệu m2.
Nắng nóng kéo dài và thiếu mưa cũng khiến mặt đường ở Fort Worth, Texas, biến dạng, gây ra gần 200 vụ vỡ nước trong tháng qua.
Trong khi đó, dịch vụ xe cấp cứu lớn nhất của Oklahoma cho biết số trường hợp cấp cứu khẩn cấp do vấn đề sức khỏe liên quan đến nhiệt độ cao ở Oklahoma và Tulsa, đã tăng lên đáng kể.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến duy trì trong tuần này ở hầu hết khu vực trên khắp đất nước, đặc biệt dao động ở mức 40 độ C tại khu vực Nam Trung Bộ. Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương sẽ phải chịu đợt sóng nhiệt gay gắt hơn vào đầu tuần tới.
Tháng 7 cũng là khoảng thời gian nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu, khiến hàng trăm người chết. Nắng nóng và hạn hán cũng làm bùng phát nhiều đám cháy rừng trên khắp các vùng Nam Âu, buộc hàng nghìn người phải sơ tán.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu, mà hầu hết nhà khí tượng học cho là hậu quả từ phát thải khí nhà kính, khiến số đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng tăng kỷ lục.
Năm 2021 cũng là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử. Theo các cơ quan liên bang, mùa hè năm 2021 là mùa hè nóng nhất ở Mỹ kể từ năm 1936.