Ngày 19/7 tại Bangkok, Thái Lan, lần đầu tiên Hội nghị Chuyên đề ESG 2022 đã diễn ra với sự tham gia của các khối công – tư, cộng đồng và các liên minh toàn cầu, hợp tác hướng đến mục tiêu ESG, thúc đẩy các giải pháp cho các cuộc khủng hoảng liên tiếp bao gồm hiện tượng nóng lên toàn cầu, hệ luỵ từ COVID-19, lạm phát và chi phí năng lượng tăng cao.
Kết quả từ Hội nghị là một loạt các giải pháp, trong đó, có các kế hoạch gấp rút thiết lập liên minh đầu tiên của Thái Lan nhằm phát triển các giải pháp đổi mới, công nghệ hướng đến mục tiêu phát thải bằng không. Đây là nền tảng để tìm kiếm và tận dụng các nguồn kiến thức thực tiễn và công nghệ từ các đối tác quốc tế và hoạt động này dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, các tổ chức tư nhân cũng tuyên bố chủ động mở rộng mạng lưới vì một nền kinh tế xanh trong toàn bộ chuỗi giá trị. 10 sáng kiến về hợp tác hình thành cộng đồng carbon thấp sẽ được đưa ra thảo luận với Chính phủ. Có thể kể đến một số ví dụ như xây dựng các cơ sở hạ tầng tạo điều kiện sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, hỗ trợ tài chính xanh, hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, thúc đẩy thói quen phân loại chất thải và thiết kế bền vững.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn SCG chia sẻ tại Hội nghị Chuyên đề ESG 2022: “Hội nghị chuyên đề ESG năm nay với chủ đề Hướng đến mục tiêu ESG và Phát triển Bền vững (Achieving ESG and Growing Sustainability) là bước tiến nhảy vọt, kế thừa từ thành công của Hội nghị Chuyên đề Phát triển bền vững (SD Symposium) SCG đã tổ chức thường niên xuyên suốt 11 năm qua. SCG đang tìm cách mở rộng hợp tác theo các tiêu chuẩn ESG vì đây là lộ trình duy nhất để giảm bớt các khủng hoảng liên tiếp đang lần lượt xảy đến với chúng ta.
Trước đây, sự kiện đã góp phần thúc đẩy nhiều hợp tác toàn cầu để giải quyết các vấn đề địa phương, tạo ra nhiều thay đổi tích cực và đưa ra các giải pháp hữu hình. Một minh chứng điển hình là lộ trình phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 giữa các ngành công nghiệp xi măng và bê tông ở Thái Lan cùng Hiệp hội Xi măng và Bê tông Toàn cầu (Global Cement and Concrete Association – GCCA) đã được triển khai khá thành công. Dự án này định hướng cho nền công nghiệp xi măng của Thái Lan theo mục tiêu Phát thải Khí nhà kính ròng bằng không vào năm 2050, phù hợp với các cột mốc quan trọng toàn cầu.
Ngoài ra, Kế hoạch này cũng dự kiến sẽ được trình bày tại Hội nghị COP27 diễn ra vào tháng 11 tại Ai Cập. Một ví dụ khác hợp tác bền vững để xử lý vấn đề rác thải nhựa đại dương với Liên minh Chấm dứt rác thải nhựa (Alliance to End Plastic Waste – AEPW), một tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng thế giới bao gồm các công ty trong chuỗi giá trị ngành nhựa, từ các nhà sản xuất, nhà cung cấp và người tiêu dùng đến những cơ quan quản lý rác thải nhựa”.
Ông Thammasak Sethaudom, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Đồng Chủ tịch, Ủy ban Phát triển Bền vững của SCG giải thích các kết quả của các phiên thảo luận tại Hội nghị chuyên đề ESG 2022. Hai kết luận hợp tác cuối cùng khả thi và có thể mở rộng, điều này sẽ thúc đẩy Thái Lan hướng tới mức phát thải Khí nhà kính ròng bằng không vào năm 2065: Thành lập liên minh thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới hướng đến phát thải ròng bằng không; Kết nối và hợp nhất các mạng lưới liên quan để tăng cường hợp tác, hướng tới việc xây dựng thành công một cộng đồng tiêu thụ carbon thấp với 60 tổ chức tư nhân.
Ngoài ra, Hội nghị Chuyên đề ESG 2022 nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm bất bình đẳng xã hội. Điều này được thể hiện bằng việc khuyến khích phụ nữ và thế hệ trẻ đóng vai trò chung trong việc thúc đẩy nền kinh tế và giải quyết khủng hoảng.