Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), ngày 25.8 tới đây, chưa xử phạt trường hợp không phân loại rác tại nguồn.
Chưa xử phạt gia đình, cá nhân không phân loại rác từ 25.8
Theo Nghị định 45/2002, có hiệu lực từ ngày 25.8 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), Nghị định 45/2002, có hiệu lực từ ngày 25.8 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, mà quy định ở đây phải đọc pháp luật về mặt nội dung, là Luật Bảo vệ môi trường. Luật này quy định cơ chế phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại khoản 1 điều 75, quy định thực hiện theo lộ trình, tức là đến chậm nhất 31.12.2024.
Luật quy định như vậy vì không thể làm ngay mà phải có giai đoạn vừa truyền thông, hướng dẫn, tập huấn người dân để họ hiểu rõ cách thức phân loại, cách phân biệt chất thải theo nhóm loại nào… đến lúc đó mới triển khai thực hiện được.
“Luật cũng giao cho UBND cấp tỉnh ban hành quy định cụ thể để triển khai tại từng địa phương, 63 tỉnh tùy theo điều kiện, đặc thù của từng địa bàn, miền núi khác, nông thôn khác, đô thị khác, nên từng địa phương sẽ ban hành quy định cụ thể của từng địa phương. Đó là quy định sau này áp dụng cho từng hộ dân, hộ gia đình là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Và lộ trình để triển khai thực hiện chậm nhất là 31.12.2024” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết.
Như vậy, theo ông Thịnh, khi các quy định này được các địa phương ban hành theo lộ trình như vậy thì chế tài của Nghị định 45 mới áp dụng. Còn ngày 25.8 là hiệu lực chung của Nghị định, nhưng từng chế tài cụ thể thì có lộ trình.
Nhiều người đã thực hiện việc phân loại rác
Gần nửa năm nay, việc phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ đã trở thành việc làm quen thuộc với gia đình và Dương Vân Anh (Phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước đây, gia đình bà không phân loại rác thải mà gom chung để công nhân môi trường đến thu gom, xử lý. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khi phường thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, lúc nào gia đình bà cũng có 3 túi rác để từng loại riêng biệt.
“Với tôi, việc làm này không có gì khó khăn, mỗi người đều có ý thức sẽ giúp Nhà nước, những người công nhân môi trường đỡ vất vả. Tôi thường xuyên nhắc nhở mọi người xung quanh nên phân loại rác, không nên đổ lẫn lộn với nhau và tôi thấy như thế rất tốt” – bà Vân Anh chia sẻ.
Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục môi trường (Đại học Sư phạm Hà Nội), sự cần thiết phải có quy định rõ ràng về mặt thu gom, phân loại rác tại nguồn, đó là một trong những giải pháp về mặt kinh tế, chính sách. Song song với giải pháp đó, vẫn cần có sự nâng cao nhận thức của người dân bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí… giúp người dân thay đổi hành vi của mình.
“Bên cạnh đó cần chính sách cung cấp thiết bị cần thiết để quá trình phân loại rác được thực hiện thành công” – ông Trí cho hay.