Virus đậu mùa là căn bệnh đặc thù ở một số quốc gia châu Phi, hiếm khi xuất hiện ở châu Âu và Mỹ cho tới gần đây, và xung quanh nó có rất nhiều quan niệm sai lầm.
Kể từ lần đầu tiên được xác định trong một đàn khỉ ở Copenhagen vào năm 1958, bệnh đậu mùa khỉ hầu như không được phương Tây chú ý. Virus đậu mùa truyền nhiễm gây ra sốt, ớn lạnh và phát ban, đây là căn bệnh có tính đặc thù, nó thường xuyên xuất hiện ở mười quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, tới gần đây, hiếm khi căn bệnh này xuất hiện ở châu Âu và châu Mỹ – xu hướng này trong lịch sử đã khiến các quan chức y tế công cộng phương Tây thờ ơ với tình trạng bệnh lan rộng ở những nơi khác.
Tháng 5/2022, khi tin tức bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở nhiều quốc gia, báo chí đưa tin giật gân và sự kích động của công chúng (đa phần là do phân biệt chủng tộc và kỳ thị đồng tính) đánh giá căn bệnh này sắp sửa bắt đầu một trận đại dịch khác. Tuy đúng là có lý do để lo ngại — 42 quốc gia ghi nhận ít nhất 2.103 trường hợp và căn bệnh này dường như đang lan nhanh hơn trước – nhưng bệnh đậu mùa khỉ không phải mối đe dọa mới. Các nước phương Tây trước đây ít chú ý đến căn bệnh này có thể học hỏi được nhiều điều từ các nhà khoa học châu Phi, những người đã nghiên cứu nó trong nhiều thập niên.
Người ta cho rằng bệnh đậu mùa khỉ đã lan truyền hàng ngàn năm nay, và quanh nó có rất nhiều điều hiểu nhầm. Ngay từ cái tên cũng đã dùng sai: Khỉ (và người) chỉ là vật chủ ngẫu nhiên của căn bệnh mà thôi, còn căn bệnh này chủ yếu nằm ở loài gặm nhấm. Tuy bệnh đậu mùa khỉ phổ biến ở Trung và Tây Phi, nhưng việc mô tả loại virus này là “gốc Phi” sẽ gây ra hiểu lầm, đây là quan điểm của hơn 20 nhà khoa học trong một bài báo gần đây, họ đã trình bày chi tiết lý do căn bệnh này cần được gọi bằng một cái tên không phân biệt đối xử và không kỳ thị. (Bệnh đậu mùa khỉ sẽ sớm được đổi tên vì mục đích này.) Trên thực tế, tình trạng virus tiếp tục hiện diện ở châu Phi đa phần là do các nước nơi đây không được bình đẳng tiếp cận vào kho dự trữ vaccine cùng những nguồn y tế toàn cầu.
Nhà virus học Oyewale Tomori tại Đại học Redeemer kiêm cựu chủ tịch của Học viện Khoa học Nigeria cho biết: “Hãy nhớ rằng, bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên thực sự được tìm thấy trong một phòng thí nghiệm ở Đan Mạch, chứ không phải châu Phi”.
Cùng chung nguồn gốc với loại virus đậu mùa gây tử vong cao hơn nhiều, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể, vết loét hoặc vảy vết thương của người nhiễm bệnh. Tiếp xúc trong không khí thông qua các giọt bắn hô hấp có thể xảy ra, nhưng ít phổ biến hơn và chưa được nghiên cứu rõ.
Tình trạng bùng phát hiện nay dường như lây lan chủ yếu giữa đàn ông quan hệ tình dục đồng giới – một xu hướng có điểm tương đồng với đại dịch HIV/ AIDS, gây ảnh hưởng lệch lạc đến cộng đồng LGBTQ đỉnh điểm nhất vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn vì sao căn bệnh lại lây lan theo cách này, nhưng các phát hiện ban đầu cho thấy nó “có thể đã xâm nhập vào các mạng lưới tình dục gắn kết chặt chẽ trong cộng đồng đồng tính nam, trong đó nó có thể lây lan theo những cách vốn không thể xảy ra trong đại chúng”.
Chuyện về bệnh đậu mùa khỉ và virus đậu mùa nói chung là một phần của câu chuyện lớn hơn về tình trạng bất bình đẳng y tế trên toàn cầu và chủ nghĩa tiến bộ khoa học, nó thường mô tả khoa học theo một đường nhất quán, bỏ qua việc hầu hết khám phá phải diễn ra dần dần như thế nào.
Quá khứ của bệnh đậu mùa khỉ gắn liền với bệnh đậu mùa, nó xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 10.000 TCN. Đậu mùa là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất của nhân loại, nó đã dẫn đến các chết của hơn 300 triệu người trên toàn thế giới chỉ trong thế kỷ 20. Các cộng đồng ở châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia không thuộc phương Tây khác từ lâu đã tìm cách ngăn chặn sự lây lan của loại virus này, từ hít vào vảy đậu mùa khô đến việc dùng kim sắt nhúng trong mụn đậu mùa châm vào người. (Các biện pháp này gọi là tiêm nhiễm hoặc chủng đậu, tạo miễn dịch cho bệnh nhân bằng cách lây nhiễm cho họ một dạng virus nhẹ.) Nhưng tới đầu thế kỷ 18, việc tiêm nhiễm mới xuất hiện ở châu Âu, khi Quý bà Mary Wortley Montagu, phu nhân của đại sứ Anh ở Đế chế Ottoman, mang phương cách này trở lại Anh sau khi học được từ phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng khoảng thời gian đó, vào năm 1721, một trận dịch đậu mùa ở thuộc địa Massachusetts đã khiến Mục sư Cotton Mather và y sĩ Zabdiel Boylston thử nghiệm quy trình tương tự. Ngày nay, việc kỷ niệm những nỗ lực bền bỉ của hai người này có xu hướng xóa bỏ các đóng góp của Onesimus, người nô lệ đã giới thiệu cách tiêm nhiễm cho Mather — phương pháp Onesimus học được ở quê hương Tây Phi. Mặt khác, không có nhiều thông tin về người đàn ông này, bao gồm tên gốc và nơi sinh. Như nhà sử học Elise A. Mitchell của Princeton giải thích, “Sự im lặng xung quanh Onesimus được tạo ra vào… bốn thời điểm: trong các ghi chép của Mather không xuất hiện tiểu sử của ông ta, các kho lưu trữ, các câu chuyện lịch sử và ý thức của chúng ta về ý nghĩa lịch sử của ông”.
Việc tiêm nhiễm bắt nguồn từ các nền văn hóa không phải phương Tây khiến người dân tranh cãi gay gắt về cách thức này, nó bị lên án từ chủ nghĩa phương Đông đến âm mưu của người châu Phi. Ở Boston, một bác sĩ địa phương – người duy nhất trong thành phố có bằng y khoa – đã lên tiếng chỉ trích đó là âm mưu của người châu Phi bị bắt làm nô lệ để lây bệnh cho những người đã nô lệ họ. Phản ứng dữ dội đến nỗi có người đã ném bom qua cửa sổ nhà Mather kèm lời đe dọa.
Nhắc tới lịch sử bệnh đậu mùa, người ta thường chỉ biết tới Edward Jenner, một bác sĩ phẫu thuật người Anh đã thực hiện việc tiêm chủng đầu tiên trên thế giới vào năm 1796. Powel H. Kazanjian, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm và nhà sử học tại Đại học Michigan, cho rằng Jenner là người tiên phong trong lịch sử bởi vì ông ta đã quá tin vào câu chuyện về uy quyền của y học phương Tây.
Rất có khả năng, câu chuyện thường kể làm sao Jenner khám phá ra tiêm chủng là hoàn toàn sai lầm. Tương truyền, Jenner đã nhìn thấy “làn da hồng hào, không tỳ vết” của một cô gái vắt sữa và đưa ra giả thuyết nhiễm bệnh đậu bò sẽ giúp kháng lại bệnh đậu mùa. Nhưng theo chuyên gia bệnh lý học Arthur W. Boylston, “Huyền thoại về cô gái vắt sữa” này đã bỏ qua công trình của bác sĩ nông thôn John Vàister, người đã khám phá ra bản chất kháng thể của bệnh đậu bò vào những năm 1760, trước Jenner nhiều thập niên. Boylston cho rằng người viết tiểu sử của Jenner đã bịa ra câu chuyện cô gái vắt sữa để bảo vệ danh tiếng của đối tượng cuốn sách và nảy sinh câu chuyện về người chiến thắng, thay vì dựa trên tiến bộ khoa học dần dần.
Theo Hirsch, điều thực sự đáng nói là nỗ lực tiêu diệt bệnh đậu mùa, được ông mô tả là “một trong những dấu ấn vĩ đại của y học phương Tây”. Tuy đã được thảo luận từ lâu, nhưng đến năm 1959, nó mới trở thành mục tiêu rõ ràng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một năm trước đó, Viktor Zhdanov thuộc Liên Xô đã trình bày nền tảng lý thuyết để tiêu diệt bệnh đậu mùa tại một cuộc họp ở Minneapolis của Đại hội đồng Y tế Thế giới. Trong nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ, Zhdanov đã trích dẫn lá thư của Tổng thống Thomas Jefferson gửi Jenner: “Nhờ khám phá của ông… mà trong tương lai các dân tộc trên thế giới sẽ chỉ biết về căn bệnh đậu mùa kinh tởm này từ những phong tục xưa”.
Vào thời điểm đó, tổng giám đốc WHO ước tính để tiêu diệt bệnh đậu mùa ở các vùng bệnh dịch đặc thù sẽ cần đến 80% dân số tiêm chủng và tiêu tốn gần 100 triệu USD. Nhưng do thiếu kinh phí, việc đóng góp vaccine và nhân sự đã khiến chương trình đình trệ trong vài năm. Ví dụ, Ấn Độ đã phải dừng nỗ lực tiêu diệt đầy tham vọng của mình khi những lời kêu gọi khẩn cấp về vaccine không được chấp nhận.
Năm 1967, WHO khởi động lại sáng kiến này dưới cái tên Chương trình Xóa bỏ Bệnh đậu mùa tăng cường (SEP). Sự kết hợp các yếu tố đã dấy lên mối quan tâm mới, bao gồm việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo của WHO có tinh thần lạc quan về dự án, những phát triển công nghệ cho phép tiêm chủng hàng loạt diễn ra (chẳng hạn súng chích và kim tiêm hai nhánh) và các cam kết hỗ trợ lớn hơn từ Hoa Kỳ. Chiến lược của tổ chức cuối cùng đã chuyển từ việc tiêm chủng hàng loạt sang xác định các trường hợp mới, cách ly những người bị nhiễm và tiêm chủng cho tất cả những người có khả năng tiếp xúc gần. Mười năm sau, ca đậu mùa cuối cùng được ghi lại ở Somalia; năm 1980, WHO tuyên bố bệnh đậu mùa đã được loại trừ.
Nhưng cột mốc này phải trả một cái giá đắt. Sau này, trong cuốn sách Quản lý bệnh đậu mùa ở Ấn Độ vào năm 1985, một quan chức y tế của Liên Hợp Quốc, nhà dịch tễ học người Mỹ Lawrence Brilliant đã mô tả quãng thời gian dài khắc nghiệt của chiến lược giám sát và ngăn chặn của các nhân viên y tế công cộng. Ông Brilliant viết, Chiến dịch không còn bệnh đậu mùa bắt đầu năm 1975 với các cuộc tìm kiếm từ làng này sang làng khác, sau đó nhanh chóng leo thang thành các cuộc tìm kiếm từng nhà và từng phòng. Các bệnh nhân phát ban và sốt bị cho là mắc bệnh đậu mùa cho đến khi được chứng minh là không phải, và những người cung cấp thông tin nhận được tiền thưởng khi chỉ ra người nhiễm bệnh. Lực lượng bảo vệ được bố trí để ngăn chặn các cá nhân đơn lẻ, và các đội xe mô tô và xe Jeep di chuyển qua mọi ngôi làng trong bán kính mười dặm có các trường hợp đậu mùa đã biết (hoặc nghi ngờ). Tất cả mọi người trong bán kính một dặm đều được tiêm vaccine, bất kể họ đã được chủng ngừa hay chưa.
Nhà sử học Paul Greenough tại Đại học Iowa cho rằng những bước cuối cùng của chiến dịch tiêm chủng ở Nam Á bắt nguồn từ sự đe dọa, cưỡng chế và phản kháng. Các nhà dịch tễ học nước ngoài, nhiều người trong đó tới từ Hoa Kỳ, đã đến Ấn Độ và Bangladesh. Do nhiên liệu, phương tiện đi lại và tiền mặt thường không được cấp cho các nhân viên y tế địa phương, các nhà dịch tễ học này chính thức được coi là cố vấn nhưng lại hành động bất chấp hậu quả. Họ chỉ tập trung vào bệnh đậu mùa mà không quan tâm đến những điều khác, và cách hành xử như vậy đã khiến dân địa phương coi nỗ lực xóa bỏ bệnh dịch của họ là giả dối. Trong một nghiên cứu trường hợp của Greenough, một phụ nữ Bangladesh đang chết đói không chịu tiêm vaccine cho đến khi được cho ăn. Nhà dịch tễ học cao cấp của WHO Stanley Music kể lại, “Cô ấy nói nếu tôi không quan tâm tới việc cô có chết đói hay không, thì sao tôi phải quan tâm cô có mắc đậu mùa hay không!” Người phụ nữ ấy đã bị buộc phải tiêm chủng.
Trong một luận văn chưa xuất bản, ông Music kể thêm chi tiết về phương cách tàn nhẫn của chương trình:
Giai đoạn đầu trong việc tiến hành chính sách ngăn chặn chặt chẽ đánh dấu bằng một cuộc tấn công gần như quân sự vào các làng bị nhiễm bệnh. … Trong cơn kích động của chiến dịch, phụ nữ và trẻ em thường bị lôi ra khỏi gầm giường, sau cánh cửa, từ trong nhà xí, v.v. Người dân bị truy đuổi, và khi bắt được thì bị tiêm chủng. Và các quan chức cho rằng cách thức làm vậy là hợp lý vì mục tiêu chung.
Vaccine đậu mùa cũng mang lại một số bảo vệ trước virus đậu mùa khỉ có chung nguồn gốc. Tuy nhiên, kể từ những năm 1970, nhiều quốc gia đã dừng việc tiêm chủng do bệnh đậu mùa đã biến mất.
Trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở người được xác định là ở một cậu bé 9 tháng tuổi ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) vào năm 1970. WHO sau đó đã báo cáo 54 trường hợp từ năm 1970 đến 1979, và 338 trường hợp từ năm 1981 đến 1986; với tỷ lệ chủng ngừa đậu mùa cao trong giai đoạn này, số ca gia tăng có lẽ là kết quả của việc tăng cường giám sát và xác định ca bệnh.
Trong 30 năm qua, trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ vaccine đậu mùa đang suy yếu, châu Phi đã báo cáo hàng chục vụ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ và vô số ca mắc bệnh, ít nhất là hàng chục nghìn người. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, những sự kiện này “thực sự không gây ra bất kỳ cảnh báo nào,” theo ông Hirsch.
Một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ năm 2003 ở Hoa Kỳ lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tổng cộng, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đã ghi nhận 71 trường hợp đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát. Hầu hết bệnh nhân đều tiếp xúc cầy thảo nguyên, tình trạng lây nhiễm từ người sang người không được cho là nguồn lây. Tác nhân của vụ bùng phát có khả năng là những con chuột túi lớn Gambia được nhập khẩu từ Ghana và nuôi bên cạnh một lô cầy thảo nguyên. Sau khi CDC cấm nhập khẩu các loài gặm nhấm châu Phi vào Hoa Kỳ, cơn bùng phát nhanh chóng được kiểm soát – và bị lãng quên.
Trong khi đa phần các nước phương Tây đã tránh được các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ khác, thì các nước châu Phi lại không may mắn như vậy. Từ tháng 11/2005 đến tháng 11/2007, một nghiên cứu cho thấy các ca bệnh đậu mùa khỉ ở DRC tăng gấp 20 lần so với những năm 1980. Ở Nigeria, một đợt bùng phát nghiêm trọng năm 2017 đã xảy ra sau gần 40 năm, khi ca bệnh cuối cùng được báo cáo ở đất nước này. Một lần nữa, các nước ngoài châu Phi hầu như không có động thái phản ứng nào. Bệnh đậu mùa khỉ là ví dụ mới nhất cho thấy căn bệnh đang bị các nước chưa bị ảnh hưởng bỏ qua. Các phản ứng tương tự – hoặc thiếu phản ứng – đã xảy ra với Ebola, Zika và vô số bệnh truyền nhiễm khác.
Thật vậy, tương tự việc tích trữ vaccine Covid-19, các nước phương Tây đã mua vaccine đậu mùa từ Công ty Công nghệ sinh học Bavarian Nordic, công ty này gần đây đã tham gia vào một loạt hợp đồng béo bở với nhiều quốc gia giấu tên. Tuần trước, WHO đã công bố kế hoạch chia sẻ một phần trong 31 triệu vaccine đậu mùa trong kho dự trữ, làm dấy lên suy đoán rằng cơ quan này cuối cùng sẽ “phân phối những liều vaccine khan hiếm cho các nước giàu vốn có đủ khả năng chi trả”.
Ở châu Phi, nơi số ca bệnh hiện đang cao gấp ba lần so với bình thường, người ta vẫn sử dụng các phương pháp điều trị bảo thủ, do vaccine và thuốc kháng virus không có sẵn trên khắp châu lục. Năm nay, các quan chức báo cáo hơn 1.400 trường hợp mắc và 66 ca tử vong ở Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo và Nigeria, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi. Tuy nhiên, các quan chức y tế công cộng “không có cách rõ ràng để làm sao những nước nghèo hơn (như các nước này) sẽ có thể được tiêm vaccine,” theo Brook Baker, chuyên gia luật tại Đại học Northeastern nghiên cứu khả năng tiếp cận thuốc. Baker suy đoán “Các quốc gia giàu có sẽ tự bảo vệ mình trong khi người dân ở các nước nghèo thuộc Nam bán cầu tử vong”.
Phương tiện truyền thông đưa tin về đợt bùng phát cũng phản ánh định kiến của phương Tây. Nhiều bản tin đưa hình ảnh các bệnh nhân da đen mắc bệnh đậu mùa khỉ, khiến họ trở thành đại diện cho một đợt bùng phát đang được báo chí đưa tin rầm rộ vì nó đã lan sang châu Âu và Hoa Kỳ. Kết quả là, những hình ảnh phân biệt chủng tộc đã gợi lên nỗi sợ hãi của độc giả phương Tây và kéo dài câu chuyện về một căn bệnh “châu Phi” và một lục địa đầy dịch bệnh.
Lịch sử của virus đậu mùa từ lâu đã vô cùng thiển cận, do người ta đều bỏ qua những công trình sơ khai ở các nền văn minh châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ; những đóng góp của Onesimus cho chiến dịch tiêm chủng của Boston; và việc cưỡng chế vaccine của SEP. Bệnh đậu mùa khỉ là nạn nhân mới nhất do sự thiển cận này, vì đã bị lãng quên và bác bỏ trong lịch sử.
Những rủi ro của tình trạng này vô cùng cao. Ngoài những ngụ ý về phân biệt chủng tộc và kỳ thị đồng tính, phản ứng đối với bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu còn đầy rẫy những vấn đề khác, bao gồm tình trạng thiếu báo cáo, trở ngại về kiểm tra và xích mích giữa CDC và WHO. Các chuyên gia cũng lo ngại bệnh đậu mùa khỉ có thể “cư trú lâu dài trong các loài động vật hoang dã bên ngoài châu Phi”, khiến các đợt bùng phát thường xuyên xảy ra hơn và có khả năng tạo ra các biến thể mới.
Ông Tomori nhận xét “Thế giới là một nơi nhỏ bé. Đây không phải là một thứ chỉ xảy ra ở châu Phi; nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu”.
Nguồn: smithsonianmag.com