Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận tỉnh Gia Lai báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Sân golf Đak Đoa.
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận tỉnh Gia Lai báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa. Và cũng tại dự án này, hàng nghìn cây thông phải di thực để “nhường chỗ” cho dự án đang đứng trước nguy cơ chết khô.
Hàng ngàn cây thông bị chết khô
Ngày 1/4/2021, dự án sân golf Đăk Đoa (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) với quy mô 174,01 héc-ta được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó chuyển mục đích sử dụng trên 155,9 héc-ta rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án. Sân golf Đăk Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng vào năm 2009.
Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Gia Lai có tờ trình gửi Bộ NN&PTNN đề nghị thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng sân golf Đăk Đoa. Bộ NN&PTNN đã giao Tổng cục Lâm nghiệp xử lý hồ sơ của UBND tỉnh Gia Lai.
Sau đó, Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cân nhắc trước việc chuyển đổi rừng. Theo đó, dự án sân golf Đăk Đoa khi xây dựng và đi vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng 174,01 héc-ta đất rừng, trong đó có gần 156 héc-ta rừng trồng năm 1976, làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để thực hiện dự án phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án kinh tế đến môi trường và xã hội. Tuy nhiên, giữa năm 2021, dự án sân golf Đăk Đoa vẫn được triển khai xây dựng.
Để triển khai xây dựng, năm 2021, chủ đầu tư dự án sân golf Đăk Đoa đã cho di thực hàng nghìn cây thông. Yêu cầu bắt buộc của việc di thực này là phải đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất cho cây thông. Chủ đầu tư cũng cam kết với tỉnh Gia Lai là khi di thực sẽ không làm chết, đảm bảo đời sống cho cây.
Theo UBND huyện Đăk Đoa, tính đến nay, chủ đầu tư đã di thực 2.528 cây và đã bó gốc chưa di thực 2.109 cây. Theo ghi nhận của PV, hàng nghìn cây thông phải di thực để “nhường chỗ” cho dự án đang đứng trước nguy cơ chết hàng loạt. Một số vị trí cây thông không được di thực, bó bầu mà bị triệt hạ bằng cách cắt ngang thân, gỗ thông chất thành đống.
Xung quanh khu vực dự án được rào bằng tôn, kẽm gai. Bên trong khu vực dự án đã được san ủi mặt bằng. Một số hạng mục như đường golf, hệ thống đường bộ, cống thoát nước đã được đơn vị triển khai thi công bước đầu.
Hiện tại việc di thực cây thông ở sân Đăk Đoa đã được yêu cầu dừng. Đoàn công tác của Sở NN&PTNN cũng yêu cầu chủ đầu tư khi nào triển khai lại việc di thực cây thông phải phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát.
Đoàn chuyên môn cùng với UBND huyện Đăk Đoa cũng yêu cầu chủ đầu tư sân golf thuê chuyên gia đánh giá lại việc di thực cây thông, đảm bảo tỷ lệ sống cao hơn. Tuy nhiên, hướng xử lý trách nhiệm để hàng nghìn cây thông di thực bị chết thì không được nhắc đến.
Báo cáo “dối”, lãnh đạo tỉnh bị xem xét kỷ luật
Tại kỳ họp mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 – 2021 và ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhà ở, bảo vệ và phát triển rừng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh; báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa.
Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về các ông: Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Tiến Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh; KPă Thuyên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Phước Thành, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Hoàng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh; các Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một số tổ chức đảng, đảng viên liên quan.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại lớn tài nguyên rừng, tiền, tài sản của nhà nước, lãng phí lớn nguồn lực đầu tư, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm; thu hồi các quyết định trái quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.