Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Bộ Tài Nguyên và Môi trường trong hoạt động truyền thông bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức tọa đàm, chia sẻ pháp thoại với chủ đề “Bảo tồn động vật hoang dã cho con người và thiên nhiên”.
Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước Đa dạng sinh học, Việt Nam hiện có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm: Khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Tuy nhiên, theo thống kê, số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng…
Mặc dù sở hữu mức độ đa dạng sinh học cao nhưng nhiều người chưa có nhận thức đúng đắn về bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều người tiêu thụ, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã cũng như tạo điều kiện cho những mạng lưới săn bắt, buôn bán động vật hoang dã…
Ngày 8-5 vừa qua, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành văn bản gửi Giáo hội Phật giáo các cấp kêu gọi truyền thông bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, mang lại hiệu quả cao như Chiến dịch “chấm dứt sử dụng sừng tê giác” tại chùa Hòa Phúc, Hà Nội, đã kêu gọi được 1.000 Phật tử nói không với mua bán và sử dụng sừng tê giác.