Tổng cục Lâm nghiệp cho biết đã trình bày những ‘điểm nghẽn’ về cơ chế, chính sách của lực lượng kiểm lâm với Chính phủ và đề xuất một số chính sách hỗ trợ…
Gỡ khó cho kiểm lâm
Tại Hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp ngày 14/7, Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, hoạt động của lực lượng kiểm lâm được Đảng, Nhà nước và người dân rất quan tâm.
Vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã trình bày những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách của kiểm lâm trước Chính phủ, như cán bộ thường xuyên làm việc trong môi trường khó khăn, thiếu thốn, nguy cơ tiếp xúc với cháy rừng cao… Đồng thời, Tổng cục đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ sát thực tiễn, và đang được xem xét, đánh giá.
Chia sẻ thêm về điều này, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện thừa nhận, hệ thống kiểm lâm phải đảm nhiệm một khối lượng công việc lớn. Ngoài việc liên tục bám sát địa bàn để giữ rừng (mỗi kiểm lâm viên phải phụ trách vài chục ha, thậm chí vài trăm ha rừng), lĩnh vực kiểm lâm còn bộn bề công tác hành chính.
“Trung bình mỗi ngày, chúng tôi phải xử lý, ban hành khoảng 13 văn bản, từ công tác chỉ đạo, điều hành đến các văn bản quy phạm pháp luật”, ông Thiện nói.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, nửa đầu năm 2022, số vụ vi phạm về rừng giảm 1,2% so với cùng kỳ, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 50% so với cùng kỳ; số vụ cháy rừng giảm 65% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung.
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng, cũng như đảm bảo đời sống cho lực lượng kiểm lâm, Cục trưởng Nguyễn Hữu Thiện cho rằng hệ thống kiểm lâm các cấp hiện có thêm nhiều nhiệm vụ, chức năng. Song song với việc bổ sung trang thiết bị hiện đại như chòi canh lửa gắn với cảm biến, hệ thống kiểm lâm cần xây dựng lực lượng theo hướng nâng cao năng lực, tích hợp đa giá trị theo định hướng chung của Bộ NN-PTNT.
Đảm bảo mục tiêu xuất khẩu
Bên cạnh việc duy trì ổn định tỷ lệ rừng ở mức 42%, nâng cao chất lượng rừng, ngành lâm nghiệp còn phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,3 tỷ USD mà Chính phủ giao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho rằng, đây là mục tiêu trong khả năng. Ông Điển lý giải, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành gỗ đã đạt khoảng 9,1 tỷ USD; diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững tăng đều đặn và sẽ đạt 90.000ha vào cuối năm.
Dù vậy, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp lưu ý một số thách thức, trong đó có tình hình thế giới như xung đột Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia khiến nhu cầu về đồ gỗ giảm trong ngắn hạn, giá vật liệu và vận chuyển tăng, ngày càng có nhiều nước thực hiện chính sách bảo hộ.
“Các đơn vị của Tổng cục Lâm nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, hiệp hội, xây dựng đa dạng các kịch bản để sớm đưa ra những khuyến cáo cho thị trường, đảm bảo gỗ đưa vào sản xuất là hợp pháp. Qua đó, doanh nghiệp tránh được tình trạng liên quan tới chống bán phá giá cũng như các rắc rối pháp lý”, ông Điển bày tỏ.
Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định cam kết về xuất khẩu của ngành. Song song với việc đa dạng hóa thị trường, tăng cường sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, ông Trị nhắc đến việc “không thua trên sân nhà”. Theo người đứng đầu Tổng cục Lâm nghiệp, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước để “người có sản phẩm và người có nhu cầu gặp nhau”.
Ông Trị cũng yêu cầu toàn ngành lâm nghiệp chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Ông nhấn mạnh triển khai các chính sách một cách linh hoạt, mềm dẻo nhưng cần đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, ông Trị gợi mở tư tưởng: Chuyển từ tư duy sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế lâm nghiệp. Ông đề xuất việc trao nhiều quyền hơn cho các chủ rừng gia đình, thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tăng thu nhập cho người dân và các đơn vị tham gia bảo vệ rừng.
6 tháng đầu năm 2022, cả nước chuẩn bị được 859 triệu cây giống, bằng 130,4% so với cùng kỳ 2021, 9 giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận. Diện tích trồng rừng đạt 119.400ha, đạt 49% kế hoạch, bằng 103,1% so với cùng kỳ năm 2021. Cả nước trồng 50 triệu cây, đạt 41% kế hoạch, bằng 141% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất siêu toàn ngành ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 1.500 tỷ đồng, bằng 106% cùng kỳ và 54% so với kế hoạch |