Nhiều năm gần đây, các nhà khoa học áo lính ở Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã tìm mọi cách để nghiên cứu, trồng thử nghiệm, tái tạo các rạn san hô, xây dựng thủy cung, kéo các loài sinh vật biển trở lại. Ước mong của họ đang dần trở thành hiện thực.
Trong thời gian dài, chi nhánh đã phối hợp với các nhà khoa học phía Nga thực hiện trồng thử nghiệm san hô tại các vị trí trên vịnh Nha Trang (Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tre) ở các độ sâu, sử dụng nhiều loại giá thể có hình dạng, kích thước, vật liệu khác nhau, lựa chọn chủng loại san hô, phương pháp ươm trồng san hô để tìm ra kết quả phù hợp.
Hiện nay, qua thử nghiệm, các nhà khoa học ở chi nhánh đã nhân giống được san hô loài P.verrucosa đạt tỷ lệ sống đến 91,65% và cho tốc độ phát triển của một số loài giống Acropora lên đến gần 29cm/năm. Từ kết quả này, hiện họ đang áp dụng phương pháp cấy san hô lên khối vòm bê tông (reef ball) mà chúng tôi tạm gọi là công nghệ nuôi trồng san hô “quả chuông”.
9 giờ chủ nhật, ngày 12-6, chúng tôi lên chiếc ca nô nhỏ ở cảng Cầu Đá ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), theo chân các nhà khoa học biển của Chi nhánh Ven biển đi đảo Hòn Tre, nơi có Trạm thử nghiệm Đầm Báy nằm sát mép biển.
Trong tiếng máy ca nô phành phạch và tiếng sóng biển vỗ liên tục vào mạn ca nô, tôi được trò chuyện với Thiếu tá, TS Vũ Việt Dũng, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu sinh thái nhiệt đới, người trực tiếp phụ trách đề tài và thực nghiệm trồng san hô dưới biển.
Thiếu tá, TS Vũ Việt Dũng quê ở Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định, từng học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg (Liên bang Nga) rồi làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh ở đây. Năm nay, anh tròn 40 tuổi và đã từng theo dõi thực hiện việc trồng san hô dưới biển tại Nha Trang khá lâu. Anh “trang bị” cho tôi những kiến thức cơ bản về san hô và rạn san hô ngay trong chiếc cabin của ca nô chưa đầy 3m2 bồng bềnh, lắc lư theo những con sóng.
Anh nói rằng, san hô là động vật biển tồn tại dưới dạng các thể polip có đường kính vài milimet. Các cá thể này tiết ra carbonat calci để tạo bộ xương cứng, xây nên các rạn san hô. Một “đầu” san hô được tạo từ hàng nghìn cá thể polip có cấu tạo gen giống hệt nhau và chúng phát triển nhờ sự sinh sản vô tính của các polip. Ngoài ra, chúng còn sinh sản hữu tính bằng các giao tử trong kỳ trăng tròn.
Các polip sống cùng các loại tảo biển và lấy sinh vật phù du làm thức ăn. Thông qua quang hợp, tảo cung cấp năng lượng cho san hô và giúp san hô hoàn thành quá trình canxi hóa. Tảo sử dụng carbon dioxide và các chất chứa nitơ mà polip thải ra để phát triển. Các loài cá nhỏ sẽ ăn tảo và chất thải của san hô và là mồi cho cá lớn hơn. Mối quan hệ cộng sinh này tạo thành hệ sinh thái cực kỳ phong phú và đa dạng mà rạn san hô là trung tâm.
Thiếu tá, TS Vũ Việt Dũng cho biết, ở nhiều vùng biển trong cả nước, tình trạng rạn san hô bị suy thoái và chết trắng xảy ra rất phổ biến. Ngoài nguyên nhân từ biến đổi khí hậu thì có nguyên nhân từ con người, từ việc khai thác, đánh bắt hải sản quá mức, mang tính tận diệt thiếu quản lý, kiểm soát và cả hoạt động khai thác du lịch biển ồ ạt đã khiến các rạn san hô suy thoái trầm trọng.
Câu chuyện của chúng tôi phải tạm dừng vì ca nô cập cầu cảng. Tôi theo anh Dũng ra vị trí đúc bê tông làm giá thể trồng san hô. Đó là một bãi cát rộng thoai thoải, mịn màng, ngập nắng vàng. Bên khối bê tông rỗng hình quả chuông, anh Dũng nói rằng, sau nhiều lần thử nghiệm, các nhà khoa học quyết định thực nghiệm trồng san hô trên giá thể này.
Trước đó, họ đã thử nghiệm “cấy” san hô vào các giá thể bằng sắt và inox rồi đưa xuống biển, nhưng tỷ lệ thành công không cao vì nhiều lẽ: Do sóng quá to khiến các giá thể bị nghiêng ngả, do nước ngọt từ trên đảo Hòn Tre tràn xuống khiến môi trường sống của san hô bị thay đổi. Nhưng đáng kể là hiện tượng một số cá nhân lợi dụng đêm tối lặn vào lấy san hô. Từ những vất vả này, các nhà khoa học đã xác định phải đưa san hô cấy lên các giá thể chắc chắn hơn, có thể chống lại sóng biển và ra xa bờ, để không bị ngọt hóa hoặc bị nóng quá mức vì ánh sáng mặt trời.
Trước mắt tôi là “quả chuông” bằng bê tông cốt thép có đường kính đáy là 1,8m, đường kính miệng là 0,5m và cao 1,2m. Thành của “quả chuông” này có chỗ dày nhất ở đáy ước vào khoảng 20cm, trọng lượng khoảng 1,5 tấn. Trên thành “quả chuông” được khoét các vòng tròn đường kính 20cm và 10cm xen kẽ nhau. Các lỗ này giúp cho nước biển ở trong và ngoài “quả chuông” cân bằng.
TS Vũ Việt Dũng chia sẻ, với hình dạng, kích thước và trọng lượng như vậy thì “quả chuông” có thể đứng vững dưới đáy biển, không bị sóng xô lệch. Sau khi đúc xong “quả chuông”, các nhà khoa học khoan những lỗ nhỏ vào thân, rồi cấy san hô vào đó hoặc là cố định thanh sắt dài khoảng 30cm vào thân “quả chuông” bằng ren, còn đầu trên thanh sắt mang giá thể san hô.
Theo TS Vũ Việt Dũng, việc cấy san hô trên giá thể này cho phép chúng sống ở cách mặt nước biển 6-7m, hạn chế tối đa tác hại của nhiệt độ nước biển mùa nắng nóng. Anh còn tiết lộ, với cách làm này, khi san hô phát triển, khi cá đã về thì sẽ đặt xuống đáy biển những vật thể khác nhau để tạo ra “thủy cung nhân tạo”, phục vụ cả nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu du lịch lặn biển.
Đại tá, TS Nguyễn Như Hưng, phụ trách Giám đốc Chi nhánh Ven biển rất tâm đắc khi chia sẻ với chúng tôi rằng, ngày 12-6 vừa qua, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã ký hợp tác với tỉnh Phú Yên, trong đó có nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái rạn san hô khu vực Hòn Nưa, thị xã Đông Hòa; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên điều tra, khảo sát xây dựng bộ dữ liệu phục vụ lập hồ sơ để thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đèo Cả-hòn Vọng Phu…
Tạm biệt các cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ven biển, tôi mãi tâm đắc với tâm sự chân tình của Đại tá, TS Nguyễn Như Hưng: “Chúng tôi sẽ hết mình để bảo tồn, phát triển hệ hệ sinh thái biển. Tôi mong truyền thông cùng chung tay với chúng tôi để người dân, xã hội và các cấp, các ngành, các địa phương biến chung tay bảo vệ hệ sinh thái biển thành “vàng”.