Thời của startup công nghệ khí hậu

Những startup công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo và phương tiện chạy điện đóng vai trò mấu chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Chính phủ Việt Nam cũng xác định chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ hàng đầu, hướng đến mục tiêu trung lập carbon vào năm 2050. (Ảnh: agfundernews.com)

Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Năm 2020, nhiệt độ Trái đất đã ở ấm hơn 0,98 độ C so với mức trung bình thế kỷ 20 là 13,9 độ C, trở thành năm nóng cao thứ 2 từ trước đến nay. Trong cùng năm, Jakarta ghi nhận lượng mưa hằng ngày cao nhất kể từ năm 1866, gây ra trận lũ lụt kinh hoàng. Trong khi đó, mực nước biển toàn cầu đã tăng 21-24 cm. Điều đó đặt các khu vực đông dân cư như Jakarta, Bangkok và TP.HCM trước nguy cơ chìm trong nước vào năm 2050.

Những thách thức này đã đưa công nghệ khí hậu (các cải tiến trong vận tải như nhiên liệu xanh, phương tiện chạy điện, nông nghiệp xanh, xây dựng và quản trị tòa nhà cũng như áp dụng dữ liệu lớn, internet vạn vật (IoT) vào việc chống biến đổi khí hậu) trở thành đề tài nóng hổi trong những năm gần đây. Các startup ra đời nhằm giải quyết các thách thức khí hậu cũng trở thành tâm điểm chú ý. Larry Fink, CEO Tập đoàn BlackRock, nhận xét: “1.000 kỳ lân kế tiếp sẽ không phải là các startup trong lĩnh vực tìm kiếm hay mạng xã hội mà sẽ là các nhà cải tiến bền vững – những startup giúp thế giới khử carbon và khiến cho việc chuyển đổi năng lượng trở nên phải chăng về mặt chi phí cho tất cả người tiêu dùng”.

Nông sản, năng lượng tái tạo và phương tiện chạy điện đang là những phân khúc lớn nhất về công nghệ khí hậu ở Đông Nam Á, theo một dự án nghiên cứu của Holoniq và New Energy Nexus. Báo cáo này chỉ ra có 50 startup công nghệ khí hậu hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á, trong đó khoảng 68% được thành lập trong giai đoạn 2010-2014 và 10% được thành lập trong 2 năm dịch bệnh 2020-2021.

Trong lĩnh vực nông sản, Singapore đang dẫn đầu cuộc đua với sự phát triển các protein thay thế. Kể từ năm 2018, hàng chục startup trong lĩnh vực này đã ra đời và nhận được các khoản đầu tư đáng kể, trong đó có Next Gen Foods (nhận 30 triệu vốn đầu tư năm ngoái), Shiok Meats (huy động hơn 20 triệu USD kể từ năm 2019), TurtleTree Labs (gần 40 triệu USD cho đến hiện tại). Nhiều tập đoàn lương thực toàn cầu như Avant Meats của Hồng Kông và các công ty Thụy Sĩ như Givaudan và Buhler đã thành lập các trung tâm R&D và các cơ sở sản xuất thí điểm protein thay thế ở đảo quốc sư tử.

Ông John Kim, Đối tác điều hành tại Amasia, quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ xanh, cho biết các nước khác nhau ở Đông Nam Á có những thách thức môi trường khác nhau với các giải pháp tương ứng. “Chẳng hạn, Singapore sử dụng khí đốt để tạo ra điện và đang nỗ lực đưa xe điện trở thành phương tiện phổ biến hơn trên đường phố”, ông nói.

Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cũng đang chứng kiến những tiến bộ trong mảng xe điện. Indonesia nhắm đến sản xuất 2,5 triệu chiếc xe máy điện và 600.000 xe hơi chạy điện vào năm 2030. Các siêu ứng dụng Gojek và Grab cũng đang chạy đua “điện hóa” hạm đội xe của mình. Cuối năm ngoái, Gojek bắt tay với TBS Energi Utama trong một liên doanh sản xuất xe điện 2 bánh. Gojek đặt mục tiêu chuyển sang 100% xe điện vào năm 2030. Grab thì đang vận hành khoảng 8.500 xe điện ở Indonesia và dự định tăng lên 26.000 chiếc vào năm 2025.

Năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời cũng đang thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia tại Đông Nam Á. Sunseap Group của Singapore dự kiến chi 2 tỉ USD xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời ở thành phố Batam của Indonesia. AC Energy, công ty con của tập đoàn Philippines Ayala Group, đang đầu tư khoảng 274 triệu USD vào nhiều dự án điện gió và điện mặt trời ở Philippines. Hay gần đây, East Ventures và Saratoga đã rót 21,5 triệu USD vào startup năng lượng tái tạo Xurya. Hiện có hơn 50 công ty ở Indonesia sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời của startup này trong các tòa nhà của họ.

“Ngày càng nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng để tạo ra một ngành kinh doanh bền vững, chúng ta cần phải đầu tư vào các giải pháp bền vững trong cách chúng ta sử dụng năng lượng, tạo ra thực phẩm…”, ông George Hadi Santoso, Phó Chủ tịch Marketing của Xurya, nói. Ông Santoso tin rằng năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu đạt net zero vào năm 2060 của Indonesia.

Việt Nam cũng là quốc gia có lợi thế cạnh tranh về năng lượng xanh nhờ các ưu thế địa lý phù hợp phát triển cả năng lượng gió và mặt trời. Năm 2020, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có công suất điện mặt trời lớn nhất thế giới. Nước này cũng sở hữu 8,6% diện tích đất phù hợp cho việc xây dựng các trang trại điện gió quy mô lớn.

Túi làm từ tinh bột. (Ảnh: Quý Hòa)

Chính phủ Việt Nam cũng xác định chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ hàng đầu, hướng đến mục tiêu trung lập carbon vào năm 2050, có thể thấy rõ qua Quyết định số 450/QĐ-TTg được ban hành vào tháng 4/2022, phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để đạt được mục tiêu này, không thể thiếu vai trò của các startup như PLASTICPeople, Hachi, Selex Motors, ITemVn… Tuy nhiên, đại diện Earth Venture Capital (EVC), cho rằng số lượng startup công nghệ khí hậu ở Việt Nam là không nhiều và cũng không gây tiếng vang như những startup ở các lĩnh vực khác. Nhưng EVC tin rằng bền vững sẽ sớm trở thành một xu hướng startup nổi trội ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, EVC đang hỗ trợ cho hơn 10 startup công nghệ khí hậu.

Chắc chắn, những cải tiến công nghệ chưa đủ để đối phó với biến đổi khí hậu, mà cần sự hợp tác sâu rộng giữa chính phủ, doanh nghiệp (đặc biệt trong những ngành phát thải khí lớn), viện nghiên cứu cũng như người dân. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thương vụ hợp tác hơn giữa chính phủ các nước, các tập đoàn lớn và startup công nghệ trong việc thúc đẩy đầu tư và cải tiến ở lĩnh vực công nghệ khí hậu trong năm nay”, ông John Kim nói.