Nhiên liệu sinh học hiện đại được xem là mang lại lợi ích cho khí hậu. Nhưng nếu được sử dụng trên quy mô lớn, chúng lại chưa thật sự bền vững.
Không có gì phức tạp về những tác động của việc biến cây trồng thành nhiên liệu sinh học. Nếu một ngày thực phẩm được sử dụng để cung cấp năng lượng cho ô tô, tạo ra điện hoặc sưởi ấm cho các ngôi nhà, thì có khả năng con người sẽ phải nhịn đói, hệ sinh thái trên trái đất bị phá vỡ để mở rộng các vùng đất canh tác, đáp ứng thêm nhu cầu trên.
Theo điều tra của nhóm Giao thông & Môi trường, đất sử dụng để trồng nhiên liệu sinh học, được tiêu thụ ở châu Âu có diện tích 14 triệu ha, lớn hơn cả đất nước Hy Lạp. Trong số dầu đậu nành được tiêu thụ ở Liên minh châu Âu, 32% được tiêu thụ bởi ô tô và xe tải.
Nhiên liệu sinh học chiếm đến 50% tổng lượng dầu cọ và 58% dầu hạt cải dầu được sử dụng ở EU. Nhìn chung, 18% dầu thực vật trên thế giới được biến thành dầu diesel sinh học, và 10% ngũ cốc trên thế giới được chuyển hóa thành ethanol, để trộn với xăng.
Một báo cáo mới của Green Alliance, một tổ chức tư duy độc lập, cho thấy rằng chỉ riêng thực phẩm mà Vương quốc Anh sử dụng làm nhiên liệu sinh học có thể nuôi sống 3,5 triệu người. Nếu ngưng sản xuất nhiên liệu sinh học trên toàn thế giới, theo một ước tính, những cây trồng đó có thể nuôi sống 1,9 tỉ người.
Tuy nhiên, nhiên liệu sinh học không chỉ gây áp lực lên giá thực phẩm mà còn dẫn đến việc chiếm đoạt đất từ những người nông dân nhỏ lẻ và người bản địa. Kể từ năm 2000, 10 triệu ha đất của Châu Phi, thường là vùng đất tốt nhất, đã được mua hoặc chiếm giữ bởi các quỹ tài sản có chủ quyền, các tập đoàn và các nhà đầu tư tư nhân. Họ thay thế sản xuất lương thực cho người dân địa phương bằng “cây trồng linh hoạt” như đậu nành và ngô, vốn để có thể dễ dàng chuyển đổi thành thực phẩm, thức ăn gia súc hoặc nhiên liệu sinh học, tùy thuộc vào giá mặt hàng nào là cao nhất. Việc chiếm đoạt đất đai là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu thốn và đói kém.
Khi nhiên liệu sinh học làm tăng nhu cầu về đất đai, rừng nhiệt đới, đầm lầy và thảo nguyên ở Indonesia, Malaysia, Brazil và châu Phi bị xóa sổ, lượng thực phẩm chúng ta có thể tiêu thụ sẽ thu hẹp lại, nhưng diện tích rừng bị đốt thì không.
Tất cả các cây trồng chính làm ra dầu diesel sinh học đều có tác động đến khí hậu cao hơn so với các nguồn nhiên liệu hóa thạch mà chúng thay thế. Dầu hạt cải gây nóng toàn cầu gấp 1,2 lần, dầu đậu nành gấp 2 lần, dầu cọ gấp 3 lần. Điều này cũng xảy ra với ethanol làm từ lúa mì.
Bất cứ khi nào một thị trường nhiên liệu sinh học mới được tung ra, thì nó sẽ đi kèm cùng rác thải. Một ví dụ gần đây là tuyên bố của công ty dầu khí BP, rằng máy bay sẽ dùng nhiên liệu bền vững như dầu ăn đã qua sử dụng và rác thải sinh hoạt. Ngay khi một thị trường phát triển, các loại cây chuyên dụng sẽ được trồng để đáp ứng nhu cầu. Hiện tại, tất cả chất thải có thể chiết xuất trong thực tế đều đang được sử dụng, nhưng nó chỉ chiếm 17% lượng dầu diesel sinh học của EU và hầu như không thay thế được cồn sinh học. Ngay cả các loại dầu thải này cũng đang bị thổi phồng. Nhờ nhu cầu về dầu diesel sinh học “xanh”, dầu cọ thải có thể có giá trị hơn dầu mới sản xuất. Như vậy, những nguồn dầu mới đều đã hoá thành “dầu thải”.
Nhưng con người không thể sử dụng những cách chắp vá như vậy để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu của mình. Để từ bỏ nhiên liệu hoá thạch, con người nên thay đổi hệ thống năng lượng, như nhu cầu đi lại, phương thức vận tải, tiết kiệm nhiên liệu cho các ngôi nhà.