Các nước thành viên ASEAN đang tìm ra con đường đi riêng của mình để đóng góp vào hành động khí hậu.
Lượng trái phiếu xanh đang lưu hành tại các thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á và Đông Á đã đạt gần 480 tỉ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng thuộc chuỗi số liệu trên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Đông Nam Á và Đông Á chiếm 18,1% tổng lượng trái phiếu xanh đang lưu hành trên toàn cầu, chỉ sau châu Âu. Giá trị trái phiếu xanh lên tới 333,6 tỉ USD tính đến cuối quý I/2022, chiếm 69,7% lượng trái phiếu phát triển bền vững trong khu vực.
Từ năm 2017, Malaysia và Indonesia đã có nhiều đợt phát hành trái phiếu Hồi giáo (susuk) xanh. Theo Ủy ban Chứng khoán Malaysia, từ năm 2017 đến cuối năm 2021, các tập đoàn của nước này đã phát hành hơn 8,3 tỉ ringgit (1,9 tỉ USD) sukuk xanh, trở thành nhà phát hành susuk xanh lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Indonesia đã phát hành 6,3 tỉ USD trái phiếu xanh từ năm 2018 – 2021.
Tại Thái Lan, chính phủ đã phát hành trái phiếu phát triển bền vững vào năm 2020. Kể từ đó, phát hành trái phiếu phát triển bền vững từ các công ty tư nhân tăng từ mức 10,12 tỉ baht (286,1 triệu USD) vào năm 2018 lên mức 153 tỉ baht vào năm 2021.
Tại Singapore, từ nay đến năm 2030 các cơ quan chính phủ sẽ phát hành 35 tỉ USD Singapore trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công thân thiện với môi trường. Philippines đầu năm nay cũng đã phát hành 1 tỉ USD trái phiếu xanh với thời hạn 25 năm vào tháng 3 và tiếp tục phát hành 70,1 tỉ yen (600 triệu USD) trái phiếu xanh với nhiều kỳ hạn cho thị trường Nhật Bản vào tháng 4 vừa qua.
Việt Nam cũng là nguồn phát hành nợ xanh quy mô lớn trong ASEAN, đạt 1 tỉ USD năm 2021.