Là cầu nối giữa Nam Á, Đông Nam Á và Trung Quốc, Myanmar sở hữu một tổ hợp hệ sinh thái đặc biệt, là nơi sinh sống của nhiều loài đang bị đe dọa như hổ, báo và tê tê. Tuy nhiên, việc buông lỏng thực thi pháp luật khiến quốc gia này trở thành điểm nóng của nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, đe dọa sự tồn vong của nhiều loài.
Báo cáo xuất bản trên Tạp chí Global Ecology and Conservation mới đây chỉ ra rằng phần lớn hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Myanmar vẫn còn mập mờ, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu chi tiết về các trung tâm buôn bán động vật hoang dã quốc tế dọc biên giới phía đông nước này. Cụ thể, các mô hình buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã nội địa của Myanmar vẫn còn thiếu hụt thông tin, chẳng hạn như mối quan hệ giữa hoạt động săn trộm tự cung tự cấp và thị trường thịt thú rừng quy mô nhỏ với các thị trường xuyên biên giới lớn hơn nhắm vào người mua toàn cầu.
Ông John McEvoy – tác giả chính nghiên cứu, nhà sinh thái học bảo tồn của Viện Sinh học Bảo tồn Smithsonian (SCBI) cho biết: “Myanmar được biết đến là cầu nối, là nguồn cung cấp các sản phẩm từ động vật hoang dã trên toàn thế giới. Nhưng thực tế, Myanmar chỉ là một mắt xích trong đường dây buôn bán động vật hoang dã đó.”
Nhiều loài động vật hoang dã đang bị bán tươi sống trên thị trường và nuôi nhốt thương mại nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực, y học cổ truyền và đồ trang sức. McEvoy và các đồng nghiệp đã phác họa bức tranh về buôn bán động vật hoang dã bằng cách tổng hợp dữ liệu trong hàng thập kỷ từ 59 nghiên cứu riêng biệt, từ các nghiên cứu tương tự cho đến các báo cáo và thông cáo báo chí của các tổ chức phi chính phủ.
¼ số nghiên cứu chỉ tập trung vào hai thị trường lớn ở các thị trấn biên giới Mong La và Tachilek, tương ứng với đường dây chính cung cấp động vật hoang dã bất hợp pháp từ Myanmar vào Trung Quốc và Thái Lan. Theo ông McEvoy, hoàn toàn có cơ sở để chú trọng vào nghiên cứu các thị trường xuyên biên giới này, do số lượng động thực vật cũng như các bộ phận cơ thể của chúng, trong đó có nhiều loài nguy cấp như hổ, voi, báo hoa mai, vượn, rái cá, culi,… bày bán ở cả hai thị trấn đang ở mức đáng báo động.
Các tác giả nghiên cứu chỉ ra rằng những hạn chế trong việc thực thi pháp luật khiến Myanmar trở thành quốc gia trung chuyển chính các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp ở châu Á. Mặc dù Myanmar là thành viên của Công ước CITES – Hiệp ước toàn cầu bảo vệ động vật hoang dã khỏi hoạt động buôn lậu quốc tế – nhưng các vụ bắt giữ liên quan đến xuất nhập khẩu động vật hoang dã lậu ở nước này hiếm khi được thực thi và báo cáo. Ngoài ra, kế hoạch hành động 2021‒2025 của Myanmar nhằm chống lại nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn chưa được thực hiện.
Điều đáng buồn là hiện động vật sống và hàng hóa được vận chuyển ra vào Myanmar tương đối tự do. Một nghiên cứu khác đưa ra bằng chứng về việc các thương nhân bán các sản phẩm từ hổ và báo công khai tuyên bố nhập hàng từ Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Indonesia vào Myanmar. Một nghiên cứu khác gần đây ghi nhận 16.500 mặt hàng ngà voi, 8 thùng chim hồng hoàng mũ cát, hơn 100 mặt hàng sừng tê giác châu Phi và ít nhất 250 con tê tê đã bị buôn bán ở hai thị trấn Mong La và Tachilek trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020.
Ngoài khu vực biên giới, ông McEvoy cảnh báo rằng còn nhiều hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên khắp các phần còn lại của Myanmar. Theo ông, cần xem xét về cách thức tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã giữa vùng biên giới và các vùng khác xuyên suốt cả Myanmar.
Các thị trường quy mô nhỏ và các nhà cung cấp sản phẩm từ động vật hoang dã nhằm phục vụ nhu cầu về thuốc cổ truyền và tiêu thụ trực tiếp gia tăng khắp Myanmar, nhưng mối liên hệ giữa những kẻ săn trộm, thị trường địa phương và các trung tâm biên giới lớn hơn tham gia vào hoạt động buôn bán động vật hoang dã quốc tế vẫn chưa rõ ràng. Trong 59 nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu xem xét, chỉ có một nghiên cứu xét tới các tuyến đường thương mại tiềm năng giữa thị trường nội địa và biên giới.
Để giải quyết những vấn đề này, các nhà nghiên cứu đề xuất thành lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về tội phạm động vật hoang dã. Cơ sở dữ liệu này sẽ tạo lên một bức tranh rõ ràng hơn về các mô hình buôn bán nội địa, đồng thời hợp lý hóa việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chức năng và các nhóm nghiên cứu. Nguồn thông tin này cũng giúp làm sáng tỏ các mạng lưới thương mại trên toàn khu vực châu Á.
Paing Soe – Chuyên gia của WWF, đồng tác giả nghiên cứu cho biết việc chia sẻ thông tin rất quan trọng, đặc biệt vào thời điểm bất ổn chính trị và dân sự sau cuộc đảo chính quân sự tháng 2 năm 2021 tại nước này. Cuộc đảo chính cũng gián tiếp khiến công tác bảo tồn động vật hoang dã trên cạn ở Myanmar gặp nhiều thử thách. Theo ông, các cơ quan thực thi khác nhau cần chia sẻ nguồn dữ liệu để phối hợp làm việc tốt hơn.
McEvoy giải thích rằng một hệ thống cơ sở dữ liệu về tội phạm động vật hoang dã được chia sẻ sẽ tập hợp nhiều loại kiến thức khác nhau, chẳng hạn như hồ sơ thu giữ ghi lại chi tiết vị trí, số lượng hàng lậu và dữ liệu nghiên cứu từ các cuộc điều tra thị trường. Ông McEvoy nói: “Vận dụng dữ liệu không gian có thể giúp lập bản đồ trực quan các hoạt động thương mại, xác định các điểm nóng buôn bán động vật hoang dã, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp như giáo dục môi trường, bảo tồn dựa vào cộng đồng hoặc thực thi pháp luật”.
Ông McEvoy cũng khuyến nghị nên thu thập thông tin chi tiết về lý do ngay từ đầu tại sao mọi người săn trộm và tham gia vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Nghèo đói, thiếu giáo dục về sử dụng bền vững tài nguyên, hay thiếu nguồn thức ăn sẵn có… mỗi lý do đều cần có nhiều biện pháp can thiệp tương ứng khác nhau. Ông cũng ủng hộ cách tiếp cận văn hóa, giáo dục và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng thay vì kiểm soát thực thi pháp luật thuần túy, vì như vậy có thể dẫn đến nguy cơ đẩy các nhóm dễ bị tổn thương vào tình trạng nghèo đói hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi việc chia sẻ dữ liệu và các biện pháp can thiệp được cải thiện, các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ không thể ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã nếu không có ý chí chính trị mạnh mẽ hơn của chính phủ trong việc thực thi luật pháp về động vật hoang dã. Những thách thức hiện tại trong giám sát thương mại thực tế ở Myanmar và quá trình chuyển đổi sang thương mại trực tuyến càng gia tăng trở ngại cho công cuộc bảo vệ động vật hoang dã.
Chặng đường để kiểm soát hiệu quả nạn săn trộm và buôn bán động vật hoang dã ở Myanmar sẽ rất dài và đầy nguy hiểm, vì vậy điều quan trọng hơn là phải duy trì giám sát chặt chẽ hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.