Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, tái thả nhiều loài ĐVHD mang tính bảo tồn về môi trường tự nhiên. Hoạt động này góp phần làm phong phú thêm hệ sinh thái cũng như bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên ở Việt Nam.
Đó là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng với báo Kinh tế & Đô thị.
Công tác tái thả ĐVHD sau cứu hộ về môi trường tự nhiên từ đầu năm đến nay có chuyển biến gì mới, thưa ông?
Có thể nói, năm nay áp lực công việc của Trung tâm giảm hơn so với năm 2021. Trung tâm đã giải quyết được một khối lượng lớn công việc khi đợt vừa rồi tái thả thành công 133 cá thể, gồm: Culi, chim yểng, vẹt ngực đỏ, vẹt má vàng, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, dúi, mèo rừng, rái cá vuốt bé, rùa bốn mắt, rùa sa nhân, rùa hộp trán vàng miền Bắc và 38,5kg rắn các loại tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình).
Sau khi được thả, các loài ĐVHD này sẽ được cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi nhằm bảo đảm quá trình hòa nhập với môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, Trung tâm đã chuyển giao 16 loài với 44 cá thể các loại như Vẹt Nam Mỹ, Vượn, Hồng hoàng…. cho Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội nhằm phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ các loài ĐVHD.
Quá trình thực hiện công tác tái thả ĐVHD sau cứu hộ về môi trường tự nhiên gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Nếu chỉ đơn thuần là tái thả ĐVHD sau cứu hộ về môi trường tự nhiên thì không quá khó khăn, nhưng tái thả ĐVHD mang tính bảo tồn mà Trung tâm đang nỗ lực thực hiện và hướng tới theo đúng tiêu chuẩn IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên) thì quả thực rất khó.
Tôi nói ví dụ như loài rùa đầu to, để thả được loài này về tự nhiên, Trung tâm đã phối hợp với Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) lên phương án thả rùa đầu to về tự nhiên một cách khoa học, bài bản.
Trước đó, Trung tâm đã xác định, khảo sát được địa điểm thả, rồi tiến hành việc lấy mẫu (máu và da) của các cá thể rùa để xác định nguồn gen thuộc vùng nào? Có mắc bệnh truyền nhiễm hay không? Tất cả các bước đều thực hiện theo đúng quy trình và quy định để đảm bảo sau tái thả, rùa thích nghi tốt với môi trường tự nhiên. Đến khi thả, vị trí thả mỗi cá thể rùa đầu to cách nhau tối thiểu 300m, dọc theo bờ suối có dòng nước chạy chậm.
Sau khi thả xong, còn phải ghi chép đầy đủ mọi thông tin như: Rùa số bao nhiêu, đực hay cái, môi trường thả suối rộng thế nào, độ sâu nước bao nhiêu… để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu về môi trường, hệ sinh thái sau này.
Ông có thể nói rõ hơn về các tiêu chí thả ĐVHD mang tính bảo tồn theo tiêu chuẩn của IUCN?
Hiện nay, IUCN đang đưa ra hướng dẫn 7 tiêu chí tái thả ĐVHD vì mục đích bảo tồn, gồm: Đánh giá hiện trạng bảo tồn của loài mục tiêu; Xác định mục tiêu bảo tồn của loài ưu tiên; Đánh giá các lựa chọn để đạt được mục tiêu; Ra quyết định chuyển dịch vì mục đích bảo tồn; Thiết kế và lập kế hoạch chuyển dịch; Triển khai kế hoạch chuyển dịch loài mục tiêu; Giám sát và đánh giá kết quả.
Theo khảo sát của IUCN, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 2 đơn vị thực hiện được nhiều các tiêu chí kể trên là: Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội và Chương trình bảo tồn Rùa Châu Á (ATP), tuy nhiên, đa phần cũng chỉ làm được 6 tiêu chí. Tiêu chí còn lại là giám sát và đánh giá kết quả (hay còn gọi là đánh giá khả năng thích nghi của động vật với môi trường sau tái thả) thì rất khó khăn. Đây thực sự là tiêu chí khó và đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là, hiện Trung tâm vẫn luôn cố gắng thực hiện nhưng chưa thể đầy đủ theo đúng chuẩn tiêu chí. Chúng tôi luôn xác định làm tốt nhất có thể để thực hiện đầy đủ mục tiêu là thả ĐVHD mang tính bảo tồn hay còn gọi là chuyên vị vì mục đích bảo tồn.
Vậy, Trung tâm đang hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để thực hiện tiêu chí giám sát và đánh giá kết quả (đánh giá khả năng thích nghi của động vật với môi trường sau tái thả) của IUCN như thế nào?
Chúng tôi đang tham vọng tái thả chim Hồng Hoàng về môi trường tự nhiên đáp ứng đủ 7 tiêu chí của IUCN. Chim Hồng Hoàng có thuận lợi là có thể gắn chip theo dõi vào chân của chúng. Loại chip có giá trị cao, có khả năng sử dụng được trong khoảng 3 – 4 năm và khoản kinh phí này đã có tổ chức phi chính phủ lo.
Hồi tháng 4/2022, chuyên gia của Mỹ đã đến Trung tâm khám sức khỏe và làm nhiều xét nghiệm (gen, bệnh lý, cơ, phổi…) cho 7 cá thể chim Hồng Hoàng. Sắp tới sau khi có kết quả, chuyên gia sẽ chọn 2 cá thể đủ điều kiện trong số 7 cá thể để tái thả đợt đầu tiên về môi trường tự nhiên. Nếu mọi điều kiện thuận lợi, cũng phải mất khoảng 2 năm mới hoàn thành chương trình tái thả này.
Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu các cá thể chim Hồng Hoàng đang gặp phải là vấn đề về cơ ở cánh bị yếu do không gian chuồng trại chật hẹp. Vì vậy, muốn tái thả được thì cần phải phục hồi cơ nên có thể phải chuyển các cá thể Hồng Hoàng vào không gian chuồng lưới rộng hơn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương hoặc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để rèn luyện, phục hồi cơ hoàn toàn trước khi tái thả.
Xin cảm ơn ông!