Kể từ chấm Xanh đầu tiên (tháng 6/2017), đến nay, Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và môi trường” đang đặt những bước chân ấn tượng vào mùa thứ 6. Mùa Xanh mới giờ đây đã vươn tầm thế giới với chủ đề: “Phát triển xanh và cam kết của Việt Nam tại COP26”.
Như chúng ta đã biết, là sự kiện quan trọng hàng đầu về khí hậu, COP26 được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh BĐKH diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, lời hứa danh dự tại COP26 của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam: “Ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân…” nhận được đánh giá cao. Đồng nghĩa với con đường xanh mà chúng ta đang thực hiện sẽ là con đường chung tay vì sự sống của cả hành tinh. Hơn hết, đó là cam kết hành động trên danh dự quốc thể và đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Góp một lối đi xanh trong hành trình xanh của dân tộc, Diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và môi trường” lần thứ 6 là minh chứng hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ và trách nhiệm của Ngành TN&MT. Trách nhiệm này đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: “Giai đoạn tới là giai đoạn chúng ta phải tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. Đã đến lúc chúng ta cần có sự thay đổi tư duy và thái độ. Cần phải lựa chọn một mô hình phát triển mà ở đó con người và tự nhiên có một mối quan hệ gắn bó, con người phải có trách nhiệm phục hồi lại tự nhiên”.
Xuyên suốt những mùa xanh, Diễn đàn năm 2022 tiếp tục khơi lên trong mỗi nhà quản lý, nhà báo, doanh nghiệp cùng đông đảo người dân ý thức trách nhiệm quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực dựa trên nguyên tắc chung: Lấy đạo đức làm nền tảng, trong đó, dù là nhà quản lý, nhà báo, doanh nghiệp hay bất cứ một công dân có trách nhiệm nào đều phải đặt quyền được sống trong một môi trường trong lành bình yên của con người và danh dự của Tổ quốc lên trên hết, trước hết.
Với phương châm Nghĩ xanh – Hành động xanh và quyết tâm kìm hãm phát thải – phục hồi, bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên – phát triển kinh tế vì một Việt Nam xanh, vì một trái đất xanh, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và truyền thông, như lời Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Hà Quốc Trị trước đó từng khẳng định: “Sự kiện là tiền đề mở ra trang mới về sự phối hợp, sẻ chia của ba “nhà”: Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp. Từ sự hợp tác tạo nên thế chân kiềng vững chãi, những cánh tay quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tiếp tục được nối dài, lan tỏa tới cộng đồng, biến những vấn đề có tính “vĩ mô” trở nên dễ hiểu hơn bao giờ hết, góp phần hiện thực hóa mục tiêu: Đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; giảm phát thải 30% khí mê-tan vào năm 2030; bảo tồn phát triển rừng và đa dạng sinh học; sử dụng đất bền vững, góp phần đạt được sự cân bằng giữa phát thải khí nhà kính do con người gây ra và hấp thụ khí nhà kính tự nhiên, thích ứng với BĐKH”.
“Phát triển Xanh và Cam kết của Việt Nam tại COP26” cùng thông điệp “Hướng tới một nền kinh tế xanh – Net Zero” đã và sẽ được truyền đi mạnh mẽ với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền hình: Đài Truyền hình Việt Nam tại Bình Thuận, Đài Phát thanh Truyền hình Bình Thuận, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Báo Pháp Luật Việt Nam, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh; Thông tấn xã Việt Nam, Báo Xây dựng, Báo Đầu tư, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Giao thông, Báo điện tử Dân Việt, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Báo Người Lao động, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, Báo điện tử VnExpress, Báo điện tử VietNamnet, Báo điện tử Dân trí, Báo Đại Đoàn kết, Báo Công lý, Báo Bảo vệ pháp luật, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Báo Nhà báo và Công luận, Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Công an Nhân dân, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo điện tử ZingNews…
Cùng với đó là một PV GAS chuyển dịch năng lượng từ dầu sang khí thiên nhiên ít phát thải – khẳng định tất yếu nguồn nguyên liệu, năng lượng tương lai thay thế dần dầu và than; Một Petrolimex đã và đang là đơn vị tiên phong tuân thủ quy định của Chính phủ trong việc lựa chọn các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, thu hồi hơi xăng dầu tại toàn bộ các bể chứa của cửa hàng, triệt tiêu, giảm thiểu hơi xăng dầu phát thải ra môi trường; Một HABECO luôn có ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các nguồn ô nhiễm do quá trình sản xuất gây ra và tới đây sẽ sử dụng công nghệ xử lý nước thải của Cộng hòa Liên bang Đức, áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO cao; Một URC có tiêu chuẩn khắt khe để đầu tư cho việc bảo tồn nguồn nước, sử dụng năng lượng tái tạo, canh tác bền vững, thân thiện với môi trường thông qua việc tái chế chất thải; Một Coca-Cola luôn sát cánh cùng Việt Nam xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với hoạt động trọng tâm chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” và mục tiêu đến năm 2030, thu gom và tái chế tương đương 100% lượng bao bì mà công ty bán ra trên toàn cầu…
Và một Nova Land với “Green Up Việt Nam” phủ 10 triệu cây xanh trên đất Bình Thuận hưởng ứng chiến dịch 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 cùng với thông điệp: Triệu cây xanh cho cuộc sống bừng sáng và Hành động xanh cho cuộc sống bừng sáng.
Rồi đây, từ khoa học đến đời sống; từ nhà máy, xí nghiệp, công trường đến ruộng đồng đều phải hướng đến dòng nguyên liệu xanh, chặn phát thải tại nguồn, nhốt các-bon vào các bể chứa từ rừng và rừng ngập mặn cùng những giải pháp công nghệ cao hơn như nhốt các-bon vào lòng đất, biến các-bon thành tài nguyên…
Và bước chân của những Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp vẫn còn mải miết kiếm tìm những giá trị cao hơn, bởi chống BĐKH là một cuộc chiến không hồi kết, không có điểm dừng trong khát vọng phát triển xanh. Cây sẽ cho lộc, cây sẽ cho hoa. Những dấu chân xanh đã, đang và sẽ tiếp tục ươm những mầm xanh. Những mầm xanh rồi đây sẽ ban cho đời những mùa quả ngọt.