Các chất thải loại bỏ từ hoạt động chiếu sáng hiện hữu thường xuyên trong đời sống cộng đồng, nếu không có những quy định, quy chuẩn, thắt chặt hơn nữa trong việc quản lý loại chất thải nguy hại này thì hậu quả gây ra sẽ không hề nhỏ.
Từ những năm 1986 trở lại đây, hệ thống các thiết bị và công nghệ chiếu sáng ngày càng cải thiện và phong phú, hiện đại hơn. Các thiết bị chiếu sáng được sử dụng trong hầu hết các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người. Nguồn chất thải phát sinh này chủ yếu từ các hộ gia đình, các doanh nghiệp, đơn vị, các khu vực công cộng, và các nhà máy sản xuất… Khối lượng phát sinh tại các nhà máy, đơn vị sản xuất thường được kiểm soát, thu gom, xử lý tốt hơn lượng phát sinh từ các hộ dân. Lượng phát sinh tại các hộ dân là rất nhỏ, do không nhận thức được đây là chất thải nguy hại vì có chứa thủy ngân, nếu không được xử lý đúng sẽ rất có hại cho môi trường nên thường bị vứt bỏ một cách tùy tiện (lẫn với rác thải sinh hoạt thông thường) việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nói riêng và hệ sinh thái nói chung.
Hiện trạng phát sinh chất thải nguy hại tại Thành phố Hà Nội
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2021 khoảng 863,2 tấn/ngày đêm. Trong đó, rác không nguy hại khoảng 646 tấn/ngày, chất thải nguy hại 217,2 tấn/ngày đêm.
Đối với chất thải nguy hại, tổng khối lượng chất thải phát sinh khoảng 217,2 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại (không bao gồm y tế) từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoảng 99% (tương đương với 215 tấn/ngày), khối lượng còn lại được lưu giữ an toàn tại cơ sở. Khối lượng chất thải nguy hại được xử lý tại Hà Nội do Công ty Urence 10 và một số cơ sở xử lý nhỏ lẻ khác. Phần còn lại được vận chuyển để xử lý tại các cơ sở bên ngoài Hà Nội chiếm 27,56%.
Đối với chất thải rắn y tế, theo báo của Sở Y tế, tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh khoảng 26.531kg/ngày (trong đó chất thải nguy hại khoảng 7.457kg/ngày, chất thải thông thường khoảng 19.074kg/ngày). Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99%, còn 1% chưa được xử lý hiện đang được lưu giữ tạm thời tại cơ sơ, do khối lượng phát sinh ít hoặc chưa tìm được đơn vị thu gom, xử lý thích hợp. Tỷ lệ chất thải y tế thông thường được xử lý đạt 100%, xử lý chất thải y tế được thực hiện chủ yếu tại các cơ sở y tế và một phần do công ty Urenco 13 là đơn vị thực hiện tại khu xử lý chất thải Cầu Diễn.
Chất thải từ hoạt động chiếu sáng như bóng đèn huỳnh quang cũng là một trong những loại chất thải rắn nguy hại hiện nay theo thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên môi trường. Tuy nhiên chưa có số liệu thống kê cụ thể khối lượng chất thải từ hoạt động chiếu sáng do chúng đang bị thải bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt thông thường.
Chất thải từ hoạt động chiếu sáng
Chất thải từ các hoạt động chiếu sáng (chất thải chiếu sáng) chiếm tỷ lệ nhiều nhất là bóng đèn, sau đó là các thiết bị đi kèm như đế, cột đèn, giá đỡ… Việc sử dụng bóng đèn để chiếu sáng đã trở thành một nhu cầu tất yếu. Hàng triệu bóng đèn cũ hỏng bị thải ra mỗi năm, nếu không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ khiến cho môi trường sống nhiễm độc nặng nề, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là các mạch nước ngầm, đất.
Các nguồn phát sinh chất thải chiếu sáng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phát sinh từ các hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở, các khu vực công cộng, dịch vụ công cộng, các hoạt động từ các cơ sở sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp,…
Các loại thiết bị chiếu sáng hiện nay bao gồm:
Bóng đèn dây tóc: là loại không thể tái chế, còn gọi là đèn sợi đốt là một loại bóng đèn dùng để chiếu sáng khi bị đốt nóng, dây tóc là bộ phận chính để phát ra ánh sáng, thông qua vỏ thủy tinh trong suốt. Các dây tóc – bộ phận phát sáng chính của đèn được bảo vệ bên ngoài bằng một lớp thủy tinh trong suốt hoặc mờ đã được rút hết không khí và bơm vào các khí trơ (hoặc khí hiếm). Kích cỡ bóng phải đủ lớn để không bị hơi nóng của nhiệt tỏa ra làm nổ. Hầu hết bóng đèn đều được lắp vào trong đui đèn, dòng điện sẽ đi qua đuôi đèn, qua đuôi đèn kim loại, vào đến dây tóc làm nó nóng lên và đến mức phát ra ánh sáng. Đèn sợi đốt thường ít được dùng hơn vì công suất quá lớn (thường là 60W), hiệu suất phát quang rất thấp (chỉ khoảng 5% điện năng được biến thành quang năng, phần còn lại tỏa nhiệt nên bóng đèn khi sờ vào có cảm giác nóng và có thể bị bỏng). Đèn dây tóc dùng điện áp từ 1,5 vôn đến 300 vôn.
Bóng đèn LED: viết tắt của Light Emitting Diode hay điốt phát quang) là các điốt có khả năng phát ra ánh sáng hay tia hồng ngoại, tử ngoại. Những bóng đèn này bao gồm các thành phần điện tử có thể tái sử dụng. Để có thể xử lý chúng một cách chính xác cần phải đưa chúng đến điểm làm sạch tương ứng.Cũng giống như điốt, LED được cấu tạo từ một khối bán dẫn loại p ghép với một khối bán dẫn loại n” Đèn led có tuổi thọ và hiệu suất lớn hơn nhiều lần đèn sợi đốt và hiệu quả hơn so với hầu hết các loại đèn huỳnh quang.
Bóng đèn huỳnh quang: Loại bóng đèn này có chứa thủy ngân nên không thể bỏ vào thùng rác hoặc bất kỳ thùng tái chế nào. Cần phải đưa chúng đến một nơi sạch sẽ để chúng được xử lý một cách an toàn để tái chế sau này.
Ngoài ra, kèm theo các chất thải từ bóng đèn còn các thiết bị đi kèm như đế đèn, cột đèn, giá đỡ… Có cấu tạo bằng các vật liệu khác nhau tùy thuộc cho công năng sử dụng. Tuy nhiên, bài viết chỉ đề cập công tác xử lý, tái xử dụng đối với lượng chất thải chính là bóng đèn.
Các nguồn phát sinh chất thải chiếu sáng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phát sinh từ các hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở, các khu vực công cộng, dịch vụ công cộng, các hoạt động từ các cơ sở sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp,… Một số cơ sở sản xuất kinh doanh thì ký kết các hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải chiếu sáng để thu gom và xử lý. Còn lại phần lớn các chất thải chiếu sáng đều thải chung với rác thải sinh hoạt thông thường và được đưa lên các Khu xử lý chất thải để chôn lấp.
Chất thải từ hoạt động chiếu sáng có thể phân loại theo đặc tính: Chất thải thông thường và chất thải nguy hại. Các sản phẩm thải bỏ từ hoạt động chiếu sáng theo đó cũng nhiều và đa dạng, tạo áp lực lớn cho môi trường. Với mỗi loại sản phẩm chiếu sáng khác nhau được thải bỏ sẽ có cách xử lý, tái chế và tái sử dụng khác nhau. Trên thực tế, một số bóng đèn thậm chí không được xử lý, tái chế, và không phải bóng đèn thải bỏ nào cũng là chất thải nguy hại.
Theo báo cáo quản lý chất thải nguy hại của Vụ Quản lý Chất thải Tổng cục môi trường có 6 chủ xử lý chất thải nguy hại (CTNH) khu vực phía Bắc (Urenco Hà Nội, Công ty Hòa Bình, Công ty TNHH Môi trường xanh – Hải Dương, Công ty Hùng Hưng Môi trường xanh, Công ty Tân Thuận Phong) thì bóng đèn huỳnh quang là loại CTNH được thu gom phổ biến, phát thải ở hầu hết các chủ nguồn thải với tổng khối lượng khoảng 45.245 kg. Phần chất thải bóng đèn nguy hại phát sinh còn lại không rõ nguồn phát sinh và thu gom như thế nào và lượng chất thải này không được đưa về khu xử lý.
Trong khi đó các công nghệ xử lý bóng đèn đã được cấp phép mới chỉ ở mức độ tiền xử lý, chưa thực sự triệt để chỉ phân tách thành các chất thải riêng biệt (thuỷ tinh, đầu bịt kim loại, bột huỳnh quang và thuỷ ngân sau khi được hấp phụ hoặc hấp thụ) để tạo thuận lợi cho các bước xử lý tiếp theo, do đó hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn môi trường thấp. Hiện nay, việc xử lý đèn thải chủ yếu thực hiện tại các cơ sở tư nhân.
Đối với các cơ sở hành nghề xử lý CTNH, công suất thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng bóng đèn phát sinh. Kèm theo đó là công nghệ xử lý chưa hiện đại. Do vậy việc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ đang là thách thức đặt ra với sản xuất công nghiệp.
Thống kê theo Vụ Quản lý Chất thải nguy hại, đến nay Tổng cục Môi trường đã cấp phép quản lý chất thải nguy hại cho 106 doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó có 24 doanh nghiệp có trang thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang thải. Các đơn vị này giữ vai trò chủ đạo trong công tác quản lý chất thải nguy hại nói chung và bóng đèn huỳnh quang thải nói riêng. Tuy nhiên, các đơn vị xử lý chất thải bóng đèn do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cấp phép hành nghề quản lý chất thải đều ở dạng kết hợp, chưa có đơn vị chuyên trách về xử lý, tái chế bóng đèn huỳnh quang thải. Ngoài ra, do số lượng bóng đèn huỳnh quang thải ít nên cũng là trở ngại để các doanh nghiệp hành nghề quản lý chất thải nguy hại nghiên cứu đầu tư các trang thiết bị có công nghệ tiên tiến để xử lý, tái chế bóng đèn huỳnh quang thải.
Công nghệ xử lý đối với các chất thải nguy hại: Các sản phẩm chiếu sáng được thải bỏ như đèn Compact, đèn huỳnh quang là chất thải nguy hại do sử dụng đèn phóng khí thủy ngân là chất thải nguy hại và phải được thu gom riêng.
Hiện nay theo thông tư 02/2022/TT-BTNMT thì bóng đèn huỳnh quang là chất thải nguy hại có mã 160106, mã Basel tương đương là A1030 và cần phải được thu gom xử lý bởi đơn vị có đủ chức năng.
Đối với việc xử lý bóng đèn huỳnh quang:
Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp Bắc Sơn là một trong những công ty con của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội được cấp phép xử lý bóng đèn huỳnh quang theo giấy phép xử lý chất thải nguy hại mã số QLCTNH: 1-2-3.051.VX ngày 04 tháng 01 năm 2022 với công suất xử lý 10 kg/h với phương pháp xử lý là nghiền nhỏ, hóa rắn. Mỗi năm Công ty được phép thu gom 50 tấn chất thải bóng đèn huỳnh quang thải. Công nghệ xử lý được trình bày theo sơ đồ sau:
Bước 1: Kiểm tra hệ thống trước khi vận hành. Bật máy nghiền, máy bơm, quạt hút để chạy ở chế độ không tải trong 15 phút.
Bước 2: Đưa bóng đèn huỳnh quang vào ống nạp liệu, bóng đèn sẽ được thiết bị nghiền vụn. Phần cực của bóng đèn sẽ được tách sang ngăn thu chứa của thiết bị.
Bước 3: Khởi động hệ thống quạt hút và thiết bị hấp phụ (Than hoạt tính) để thu hồi hơi thủy ngân và bụi sinh ra từ quá trình nghiền. Vật liệu hấp phụ gồm lưu huỳnh và than hoạt tính dạng bột sẽ kết hợp với thủy ngân sinh ra tạo thành hợp chất ít độc hơn.
Bước 4: Phần thủy tinh nghiền nhỏ được đem đi ổn định hóa rắn. Bột huỳnh quang và vật liệu hấp phụ sau khi đã hấp phụ được đem đi lưu giữ.
Bước 5: Phần đầu cực bóng đèn được thu hồi phế liệu để tái sử dụng vào những mục đích khác.
Bước 6: Tiếp tục để máy hoạt động không tải trong 5- 10 phút sau khi kết thúc quá trình nghiền để đẩy toàn bộ sản phẩm nghiền ra khỏi máy. Kết thúc một chu trình vận hành.
* Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 (Urenco 11)được cấp phép xử lý bóng đèn huỳnh quang theo giấy phép xử lý chất thải nguy hại mã số QLCTNH: 1-2-3.022.VX được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và có hiệu lực đến ngày 07/8/2022 với công suất xử lý 10 kg/h theo phương pháp nghiền. Mỗi năm Công ty được phép thu gom 80 tấn chất thải bóng đèn huỳnh quang thải.
Đơn vị sử dụng thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang thải bỏ với quy trình xử lý như sau:
Bước 1: Mở nắp buồng nghiền đập, nạp 12 bóng đèn vào bên trong sau đó đóng nắp lại.
Bước 2: Bật bơm chân không, mở van dập bụi ở buồng nghiền đập. Sau đó bật máy nghiền trong thời gian 10 giây để nghiền toàn bộ bóng đèn bên trong.
Bước 3: Tắt máy bơm chân không, sau đó tiếp tục lặp lại các quá trình trên 5 lần thì tiến hành mở nắp dưới của buồng nghiền đập để tận thu các kim loại ở đầu các bóng đèn và mở buồng phân loại thủy tinh để thu lại thủy tinh mang đi hóa rắn theo quy trình hóa rắn chất thải.
Bước 4: Khi đã nghiền được 120 bóng thì dừng việc nghiền đập bóng đèn, đóng kín tất cả các cửa của thiết bị, bật bơm chân không, bật công tắc bếp và cài đặt nhiệt độ ở 2500C. Bếp đốt hoạt động trong thời gian 2 giờ, hơi thủy ngân sinh ra trong quá trình đốt được hấp phụ vào các cột than hoạt tính.
Bước 5: Sau khi ngừng bếp 30 phút thì tắt bếp.
Bước 6: Mở cửa thu bột Fluorescent.
Công nghệ tái chế đối với các chất thải thông thường:
Quá trình tái chế bóng đèn bắt đầu bằng cách tách các vật liệu tạo nên chúng. Hầu hết tất cả các loạinhựa được chuyển đến các nhà máy tái chế nhựa, thủy tinh đến các nhà máy xi măng, thủy tinh và các ngành công nghiệp gốm sứ, và kim loại đến các xưởng đúc, tuy nhiên đây chỉ là hệ thống tự phát.
Không phải tất cả các bóng đèn đều có thể được tái chế. Đèn halogen và bóng đèn sợi đốt không thể tái chế, tuy nhiên có thể tái sử dụng sáng tạo, chuyển đổi các sản phẩm bị loại bỏ hoặc không còn hữu ích thành các sản phẩm mới có chất lượng cao hơn hoặc giá trị sinh thái.
Một số cách tái chế sáng tạo sử dụng bóng đèn sợi đốt cũ:
* Bình mini: Bằng cách loại bỏ một phần nắp và phần dây bên trong, chúng ta có thể sử dụng bóng đèn như một chiếc bình để đặt những bông hoa nhỏ. Có thể đặt một giá đỡ hoặc trang trí bàn làm việc, kệ sách.
* Giá áo: Bóng đèn rỗng bên trong, chúng ta chỉ cần trét xi măng lên, bắt vít vào chờ đông đặc lại là được.
* Đồ trang trí giáng sinh: Với một vài chiếc bóng đèn cũ chúng ta có thể tự mình tạo ra những món đồ trang trí cho cây thông Noel. Chỉ cần sơn chúng với những họa tiết mà chúng ta thích nhất và thêm một đoạn chỉ nhỏ để treo chúng.
Ngoài ra, có thể thiết lập các điểm thu gom rác thải bóng đèn, nơi bất kỳ người dân nào cũng có thể mang chất thải ra để thải bỏ hoặc lấy và tái sử dụng.
Kết luận
Các chất thải loại bỏ từ hoạt động chiếu sáng hiện hữu và gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng, nếu không có những quy định, quy chuẩn, thắt chặt hơn nữa trong việc quản lý loại chất thải nguy hại này thì hậu quả mà nó gây ra sẽ không hề nhỏ cho sức khỏe và môi trường sinh thái. Chúng cần được phân loại, thu gom đến các nhà máy xử lý, tái chế theo một chu trình tuần hoàn khép kín, đảm bảo khoa học. Các sản phẩm thu hồi từ hoạt động xử lý bóng đèn sẽ được tái sử dụng lại trong quá trình, ngành sản xuất khác để tiết kiệm nguồn nguyên liệu thô. Đồng thời sẽ giảm thiếu tác động xấu đến môi trường làm cho môi trường bền vững hơn.