Hội thảo Kiểm soát hải quan đối với xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozone theo Nghị định thư Montreal giúp nâng cao hiểu biết về hệ thống pháp luật về quản lý các chất được kiểm soát, công tác hậu kiểm hàng hóa đối với các chất HCFC.
Phổ biến pháp luật về quản lý các chất làm suy giảm tầng ozone
Mới đây, Hội thảo tập huấn “Kiểm soát hải quan đối với xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozone theo Nghị định thư Montreal” cho các địa phương khu vực phía Nam được tổ chức bởi Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính).
Theo đó, Hội thảo giúp nâng cao hiểu biết về hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hiện hành của Việt Nam về quản lý các chất được kiểm soát, công tác hậu kiểm hàng hóa đối với các chất HCFC.
Cụ thể, đại diện Cục Biến đổi khí hậu và Cục Điều tra chống buôn lậu đã chia sẻ thông tin cập nhật về các quy định pháp luật trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính thuộc Nghị định thư Montreal; thủ tục hải quan và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, các chất được kiểm soát; phân loại áp mã số đối với các chất được kiểm soát tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam theo phiên bản năm 2022; nguyên tắc quản lý, các quy định hiện hành, quy trình dự kiến áp dụng sau khi kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, đại diện một số nhãn hàng cũng chia sẻ thông tin xung quanh việc nhận biết thương hiệu, môi chất lạnh và công cụ tra cứu chất được kiểm soát phục vụ công tác quản lý.
Hội thảo tập huấn là hoạt động trong khuôn khổ Biên bản hợp tác cho giai đoạn đến năm 2025 do Cục Biến đổi khí hậu và Cục Điều tra chống buôn lậu cùng ký kết, nhằm tăng cường trao đổi thông tin và xây dựng năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực thi pháp luật về quản lý các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal.
Với sự hỗ trợ của Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II, thời gian qua, hai cơ quan đã phối hợp tổ chức một số hoạt động: Hội thảo tập huấn về kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất HCFC cho cán bộ hải quan khu vực miền Trung, hội nghị phổ biến quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Năm 1985, các chính phủ đã thông qua Công ước Vienna về Bảo vệ tầng ozone. Nghị định thư Montreal của Công ước này yêu cầu hạn chế và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và sản xuất các hợp chất carbon của clo và flo (CFC – chlorofluorocacbons) cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ozone khác như tetraclorit carbon, các hợp chất của brôm (halon) và methylchloroform. Nghị định thư mang tính lịch sử này đã được thông qua tại thành phố Montreal (Canada) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/1989. Nghị định thư Montreal áp đặt các biện pháp và nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone đối với các nước thành viên.
Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 16/9, ngày ký kết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (16/9/1987), để kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone. Ngày này chứng minh rằng các quyết định và hành động tập thể của chúng ta, theo khoa học, là cách duy nhất để giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn.
Được biết, Nghị định thư Montreal, ban đầu là một hiệp định môi trường đa phương quốc tế, đã giúp bảo vệ tầng ozone kể từ khi được thông qua, khiến nó trở thành một trong những hiệp định môi trường tích cực nhất cho đến nay. Năm nay, Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone (16/9/2021) nhằm mục đích nhấn mạnh các lợi ích khác của Nghị định thư Montreal, chẳng hạn như làm chậm biến đổi khí hậu và giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực đông lạnh, từ đó thúc đẩy an ninh lương thực.
Năm 2016 tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali để kiểm soát và loại trừ các chất HFC có xu hướng làm gia tăng sự nóng lên của nhiệt độ Trái đất lên đến 0,4 độ C vào cuối thế kỷ. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 ở mức cơ sở và giảm dần lượng tiêu thụ, đến năm 2045 lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở. Ngày 4/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone.
Việt Nam cam kết loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone
Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia và đạt được nhiều kết quả trong các hoạt động bảo vệ tầng ozone, thực hiện Công ước Viên, Nghị định thư Montreal. Có được kết quả này nhờ sự phối hợp, đóng góp từ nhiều cơ quan, trong đó có Tổng Cục Hải quan, nhất là Cục Điều tra chống buôn lậu.
Từ năm 2020, hai đơn vị đã phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý các chất làm suy giảm tầng ô – dôn (HCFC), đặc biệt là việc kiểm soát xuất khẩu, nhập khẩu và ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các chất này. Hai bên cũng phối hợp đào tạo cho gần 60 cán bộ của Chi cục Hải quan các địa phương trong việc kiểm soát nhập khẩu và phòng chống buôn bán bất hợp pháp các chất HCFC. Có thể thấy, Cơ quan Hải quan là một mắt xích quan trọng trong công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozone tại biên giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong loại trừ hoàn toàn việc tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ozone.
Đáng chú ý, một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ozone là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone nêu tại Điều 92 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone quy định đối tượng và các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát.
Bên cạnh đó, các nguyên tắc quản lý và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát được cụ thể hóa theo hướng giảm tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Việc triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam sẽ đồng bộ, hiệu quả hơn nữa khi Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone được ban hành. Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các dự thảo Nghị định và Thông tư quy định chi tiết để cùng có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, bảo đảm Luật và các văn bản quy định chi tiết song hành đi vào cuộc sống.
Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ tháng 1/1994. Thực hiện Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ozone như CFC, Halon, CTC; kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu Methyl Bromide và thực hiện loại trừ theo lộ trình các chất HCFC. Các môi chất này được sử dụng chính trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu. |