Nhằm chia sẻ thông tin và tạo cơ hội để các phóng viên trẻ tiếp cận với đề tài khai thác và buôn bán, cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức tập huấn “Rủi ro lên hệ sinh thái và sức khỏe con người từ các hoạt động xâm hại thế giới hoang dã” từ ngày 7 – 9/7 tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình với sự tham dự của 25 nhà báo trẻ.
Việt Nam được xếp thứ 16 về mức độ đa dạng sinh học trên thế giới nhờ sự giàu có các loài động thực vật. Tuy nhiên, đa dạng sinh học của Việt Nam cũng đang suy giảm với tốc độ đáng quan ngại. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), có tới 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đã bị đe dọa. Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và buôn bán trái phép các loài hoang dã là nguyên nhân hàng đầu gây nên mất mát đa dạng sinh học, bên cạnh hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng thâm canh nông, lâm, nghiệp và các hoạt động sản xuất kinh tế khác.
Theo đánh giá của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng của nhiều mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép trên thế giới. Hiện, Việt Nam được biết đến như một trong những thị trường tiêu thụ ĐVHD lớn trên thế giới.
Trong khi đó, buôn bán ĐVHD đã được nhìn nhận không đơn thuần là mối đe dọa với đa dạng sinh học và với hệ sinh thái, mà còn là nguy cơ đối với sức khỏe con người. Đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến nguy cơ này càng được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết, khi tồn tại các giả thuyết khoa học cho rằng virus khiến dịch bệnh này bùng phát có thể có nguồn gốc từ ĐVHD.
Tập huấn là cơ hội để các nhà báo học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn và có thể trực tiếp tham quan, phỏng vấn tại các trung tâm cứu hộ ĐVHD tại Ninh Bình và các trang trại gây nuôi ĐVHD tại Hòa Bình.
Tại các buổi tập huấn, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn gồm: Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature); ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc điều hành Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW); ông Hoàng Văn Hà, Điều phối viên Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP); bà Nguyễn Thanh Nga, Cán bộ sức khỏe ĐVHD, Trưởng nhóm Chính sách pháp luật Tổ chức Bảo tồn ĐVHD(WCS); ông Đỗ Hồng Hải – đại diện Vườn quốc gia Cúc Phương cùng các cán bộ tại các trung tâm cứu hộ đã chia sẻ thông tin liên quan đến tác động của việc buôn bán và tiêu thụ ĐVHD tới cân bằng sinh thái và sự tồn tại của các loài động thực vật; những khó khăn và thách thức cũng như kỳ vọng trong vấn đề cứu hộ ĐVHD… PanNature và các nhà báo trẻ đã cùng nhau thảo luận làm thế nào để truyền thông và báo chí nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn thiên nhiên nói chung và bảo vệ ĐVHD nói riêng…
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận trong chuỗi ngày tập huấn của PanNature:
Chương trình do Liên minh châu Âu tài trợ trong khuôn khổ dự án “Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” do Tổ chức WCS điều phối và PanNature là đối tác thực hiện dự án tại Việt Nam.