Nếu chúng ta nỗ lực để đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra trong Thỏa thuận Paris, các nhà khoa học ước tính rằng các quốc gia sẽ cần loại bỏ hàng tỷ tấn CO2 khỏi bầu khí quyển vào giữa thế kỷ này. Và đó chỉ là sự khởi đầu, sau đó, chúng ta cũng sẽ phải tiếp tục loại bỏ lượng khí CO2 ngày càng tăng hàng năm.
Ông Helgason, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và đổi mới tại Carbfix (một công ty có trụ sở tại Iceland có giải pháp thu giữ và hòa tan CO2 trong nước rồi bơm nó xuống đất, nơi nó biến thành đá) cho biết: “Nơi có nhiều khí carbon chính là địa ngục và cần phải loại bỏ khí này”.
Lý do các công ty thu giữ và lưu trữ carbon như Carbfix tồn tại là vì chỉ cây cối sẽ không giải quyết được thách thức CO2 của thế giới. Ông Helgason cho biết thêm: “Về cơ bản, chúng ta đã đào sâu vào lòng đất và khai thác những cây có giá trị hàng trăm triệu năm tuổi, dưới dạng nhiên liệu hóa thạch, và sau đó tiến hành đốt cháy chúng trong khoảng thời gian 100 năm. Không bao giờ có thể có đủ cây xanh trên thế giới để hút lại lượng CO2 mà chúng ta đã đưa vào không khí”.
Trồng cây – nói dễ hơn làm
Mặc dù cây cối có thể góp phần giải quyết vấn đề CO2 của chúng ta, nhưng trồng cây là việc nói dễ hơn làm.
Tại sao lại như vậy? Đầu tiên, đó là vấn đề phá rừng. Người ta ước tính rằng trong khi 15 tỷ cây bị chặt mỗi năm, chỉ có 5 tỷ cây được trồng lại, dẫn đến thiệt hại 10 tỷ cây hàng năm.
Về vấn đề này, một số nhà nghiên cứu cho rằng cần phải trồng 1 nghìn tỷ cây xanh và sau đó đợi chúng phát triển hoàn chỉnh, sẽ có tác động đến biến đổi khí hậu. Theo một số nghiên cứu, 1 nghìn tỷ cây phát triển đầy đủ sẽ có thể thu được tối đa 1,012 tỷ tấn CO2 – khoảng một phần ba tổng lượng CO2 do con người phát thải cho đến nay.
Thứ hai là vấn đề về môi trường sống phù hợp. Thông tin từ Dự án REFOREST (trồng cây gây rừng) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự gia tăng các đợt hạn hán nghiêm trọng – nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm rừng. Do đó, nhiệt độ càng tăng, đất càng khô cằn khiến nhiều loài cây không thể sống được.
BĐKH cũng làm cho cây cối dễ bị tổn thương hoặc chết do côn trùng và bệnh tật – có thể ảnh hưởng đến khả năng cô lập carbon của rừng. Trong một nghiên cứu công bố trên Frontiers in Forest và Global Change cho thấy, các khu rừng bị phá hoại bởi côn trùng và dịch bệnh thu được lượng carbon thấp hơn lần lượt là 69% và 28%.
Chặn phát thải tại nguồn
Tất cả những vấn đề trên cho thấy, mặc dù cây xanh có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ CO2 khỏi khí quyển, nhưng chúng không phải là giải pháp duy nhất đáp ứng được nhu cầu loại bỏ CO2. Ông Helgason cho rằng, các giải pháp tự nhiên phải kết hợp song song với các giải pháp công nghệ, như thu nhận không khí trực tiếp và lưu trữ lâu dài.
Tuy nhiên, tất cả các cuộc thảo luận về cây cối, công nghệ và thu nhận không khí trực tiếp đều bỏ qua con số 36,7 tỷ tấn lượng khí thải công nghiệp hàng năm.
Ông Helgason kết luận: “Tất cả những cuộc thảo luận này sẽ chỉ là tranh luận nếu chúng ta không giải quyết vấn đề khí thải từ các cơ sở công nghiệp và nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Nếu chúng ta không ngăn chặn phát thải tại nguồn, chúng ta không có cơ hội đạt được các mục tiêu khí hậu của mình và không loại bỏ được carbon”.