Phu vàng mải mê khoét núi lần tìm mạch vàng, còn tôi đi theo dấu chân của họ. Trong hành trình thâm nhập các mỏ vàng trái phép luôn rình rập hiểm nguy
“Làm gì ở đây?” – một trong 2 phu vàng bất ngờ gặp chúng tôi trên khe suối cạn chiều hôm đó găm ánh mắt sắc lạnh, hỏi cộc lốc. “Đi khảo sát động vật để bảo tồn, tối nay sẽ ngủ lại dưới lán” – tôi bình tĩnh đáp. Cũng may bộ áo quần đang mặc trên người cùng máy GPS cầm tay khớp với lời tôi nói nên đã đánh lừa được họ.
Trong “thế giới” bờ bãi
Ngay lập tức, chúng tôi xuôi khe suối cạn trở về lán đã xin ngủ lại trước đó. Hai phu vàng cùng đi theo một quãng rồi mất hút sau bóng cây rừng. Tại lán trại này, các phu vàng cũng lũ lượt trở về. Họ tập trung ở con suối trước lán để tắm rửa. Góc suối xôn xao tiếng người.
Phu vàng tên S. (42 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam) nhìn tôi, soi mói: “Làm nghề rừng mà trắng trẻo thư sinh hỉ?”. Chưa kịp trả lời thì anh này tiếp tục bồi thêm: “Có khi mô là nhà báo giả dạng không? Nhà báo mà vô là chết tụi anh”. Tôi nghe lạnh cả người rồi lựa lời phụ họa theo: “Có nhà báo vào anh nhớ báo tụi em, cây rừng bị phá thế kia, họ vào là kỷ luật cả đám”. Cho lời tôi nói hợp lý, phu vàng tên S. gật đầu cười rồi quay người rời đi.
Lán chúng tôi ở lại chỉ có 2 phu vàng quê Quảng Nam và Quảng Trị. Trong khi lán bên kia suối có khoảng 5 người, độ tuổi từ 32-45. Một phu vàng tên Th. (ngụ Quảng Trị) trong lán tôi xin ở vừa đi xiệc điện bắt cá dưới suối trở về. Có hơn một ký cá sao, cá lăng tươi rói. Phu vàng Th. hỏi bạn nghề ở lán bên có rượu không để “vay” 1 lít nhưng chỉ nhận cái lắc đầu. Tôi chỉ vào ba-lô mang theo: “Em có mang rượu đi theo, chúng ta cùng uống”. “Đêm rừng không có ly rượu nào buồn lắm, chú à” – phu vàng Th. bộc bạch.
Chập tối, chiếc máy nổ đặt bên kia suối được khởi động. Một đường dây điện được dẫn vào tận lán để phục vụ việc thắp sáng và nấu cơm. Mỗi người trong lán đều xông vào bếp để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Thức ăn vừa chín cũng là lúc 3 phu vàng từ bên ngoài men theo suối Ka Ruông trở vào. Họ gùi theo lương thực, thực phẩm và 2 con gà. Người đàn ông tên T. (42 tuổi, ngụ Đắk Lắk), được cho là chủ bưởng vàng này, hết sức cảnh giác với người lạ. Anh ta trang bị thiết bị kích sóng điện thoại và liên tục cầm máy gọi điện ra bên ngoài. Lúc tôi ra bờ suối, anh ta cầm máy định vị GPS mà tôi mang theo rồi lên Google tra thông tin. Không phát hiện điều gì bất thường, nét mặt của chủ bưởng vàng lúc này mới giãn ra.
Mâm cơm cuối cùng cũng được dọn lên phản gỗ sau khi luộc thêm 1 con gà. Cuộc rượu bắt đầu. Trong nửa giờ đầu, ai cũng kiệm lời, dường như đang thăm dò lẫn nhau. Chủ bưởng vàng tên T. than rằng tiền bạc đã đầu tư ra nhiều nhưng vàng thu được chẳng bao nhiêu. Đến lúc ngà ngà say, cuộc rượu bắt đầu xuất hiện tiếng to. Ấy là chuyện các phu vàng xích mích với nhau từ cuộc rượu lần trước. “Hôm nớ bây (chúng mày) đã dằn mặt tau (tôi) rồi đấy” – phu vàng tên Th. buông lời. “Không ai dằn mặt anh, anh nói thế là mất quan điểm. Mình dân bờ bãi mà, cần nhất là tình cảm” – hai phu vàng ngồi bên cạnh cùng lên tiếng. “Tau buồn tau về nửa đêm ấy, hôm đó có tau ở đó, tụi bây làm như thế bây nghĩ thế nào, giờ tự suy xét” – phu vàng Th. nói.
Để “giảm nhiệt” cho cuộc rượu, chủ bưởng vàng tên T. gằn giọng: “Thôi tau bảo này, không nói nữa, giờ uống rượu. Còn chuyện bên công ty, bên nhà máy hay vàng, gỗ, thì bọn mày là quân, biết cái chi. Bọn mày không được chơi xì ke, phải bảo đảm công việc, máy móc ổn định cho tau, tau quán triệt. Làm không được thì nghỉ”. Giọng một phu vàng chen vào: “Đúng rồi, lên đây chỉ biết nổ mìn ra này…”.
Nốc thêm ly rượu, T. nói tiếp: “Cái chuyện Bắc, Trung, Nam đều là người Việt Nam, tau không có phân biệt nhưng mà phải quán triệt. Bước chân vô đây làm, cờ bạc đánh được nhưng phải ở mức độ 5-10 ngàn gì đó, không được sát phạt. Ví như bọn mày đánh 5, 3 triệu, về còn có vợ con, có bố mẹ già ở nhà nữa. Mày làm tháng ít chi cũng 10 triệu, mày tiêu 7 triệu còn 3 triệu gửi về cho mẹ mua lon sữa mà uống. Nói vậy chứ chúng mày nhỏ tuổi chưa nghĩ đâu, ông bà già khổ lắm, nên chơi cái gì thì chơi nhưng vừa vừa thôi. Chứ như tau đây, bất kể các thể loại từ chân trời, dưới đất thứ gì cũng qua hết rồi. Nhưng mà thôi, dẹp, không nói nữa”.
Rừng đông như trẩy hội
Cuộc rượu sau đó đã hạ nhiệt và kéo dài tầm 2 giờ thì nghỉ. Tôi nhảy lên chiếc võng mắc trong lán nằm ngủ. Còn nhóm phu vàng rủ nhau lên sạp gỗ, soạn trò đỏ đen. Đến nửa đêm, sòng bạc tan, 2 phu vàng trẻ men theo suối Ka Ruông lên lán trại ở thượng nguồn để ngủ, lán chúng tôi chỉ còn 5 người. Khuya, máy nổ tắt, trả lại bóng đen vốn có nơi miền rừng. Tiếng ếch nhái kêu râm ran đưa chúng tôi chìm sâu vào giấc ngủ.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi cùng thức dậy. Lúc này, nhiều phu vàng cũng vừa tìm vào. Họ di chuyển từ lúc nửa đêm. Một số phu vàng lạ mặt xuất hiện ở lán, kêu ca máy móc bị hư hỏng, không thể sửa chữa. Họ đang xôn xao bàn tán cách khắc phục các sự cố.
Ăn vội bữa cơm sáng, các phu vàng nai nịt gọn gàng rồi di chuyển lên các hầm vàng. Chúng tôi viện cớ tiếp tục công việc rồi gửi lời cảm ơn, xin phép từ biệt. Trên đường men theo suối Ka Ruông để ra bên ngoài, chúng tôi bắt gặp khoảng 15 phu vàng trên vai mang ba-lô, đang tiến vào các mỏ vàng. Trong khi đó, đội quân khuân vác rất đông đúc. Hết tốp này đến tốp kia nối gót nhau gùi hàng hóa vào rừng.
Đáng chú ý, trong toán khuân vác trên, có nhiều phụ nữ cùng trẻ em từ 7-10 tuổi tham gia. Lũ trẻ hồn nhiên, lon ton chạy theo mẹ. Tôi mường tượng đến cảnh hóa chất độc hại trong quá trình “bắt” vàng cám sẽ trôi theo suối Ka Ruông, chảy về các bản làng vùng cao mà kinh hãi. Bởi rằng, xưa nay người dân bản địa chủ yếu dùng nước suối để nấu ăn, đun uống, vậy nên điều gì sẽ xảy đến với đám trẻ hồn nhiên kia?
Theo tìm hiểu, các mỏ vàng hoạt động trái phép ở suối Ka Ruông gồm nhiều chủ, trong đó có người đàn ông tên Q. (quê Quảng Nam). Trong cuộc rượu giữa rừng, các phu vàng luôn nhắc đến tên ông này và 2 chữ “công ty”. Quá trình men theo suối Ka Ruông để ra bên ngoài, tôi chạm mặt ông Q., cùng một người khác cuốc bộ vào mỏ vàng. Ở gần con suối đầu thôn Pa Ngày, một ôtô màu trắng, biển kiểm soát 92A-xxx.xx được để lại. |
UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo “nóng”
Chiều 5-7, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết đã ký công văn hỏa tốc gửi Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Đakrông yêu cầu kiểm tra, xử lý phản ánh của Báo Người Lao Động liên quan đến bài viết “Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng – Đại công trường trái phép”. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu UBND huyện Đakrông chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật; báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền. UBND tỉnh yêu cầu hoàn thành kiểm tra, báo cáo trước ngày 12-7. Hải Phong |
Kỳ trước: Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng – Đại công trường trái phép
Kỳ tới: Núi rừng tan hoang