Hàng trăm héc-ta chè trăm tuổi trong các bản làng vùng cao huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đang được chính quyền và người dân chăm sóc, giữ gìn vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế
Trên vùng núi Cà Đam (thuộc huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) hiện có hàng trăm héc-ta chè tự nhiên và được người dân trồng từ nhiều đời nay, phân bố rải rác khắp các bản làng, hình thành nên vùng chè đặc sản Cà Đam. Cùng với cây quế, cây chè cũng là cây chủ lực trong chính sách phát triển kinh tế cho người dân của chính quyền địa phương nơi đây.
Giống chè cổ rất quý
Theo chân ông Hồ Văn Hùng – Bí thư Chi bộ thôn Trà Vân, xã Hương Trà, huyện Trà Bồng – chúng tôi đến đồi chè xen kẽ khu rừng quế rộng hàng chục héc-ta, nằm trên những đồi núi ở đỉnh Cà Đam. “Hiện ở thôn Trà Vân có khoảng 110 ha chuyên canh chè của hơn 250 hộ dân. Còn số lượng chè nằm xen kẽ với quế cũng rất nhiều, ước đến hàng chục héc-ta. Đặc biệt, ở Trà Vân có khoảng 20 ha chè cổ thụ tự nhiên đã trên trăm năm, nằm sâu trong các đồi núi. Đây là giống chè cổ rất quý của địa phương, được người dân ở đây chăm sóc cẩn thận” – ông Hùng nói.
Ông Hồ Văn Năm (65 tuổi, người đang sở hữu hơn 10.000 gốc chè) cho biết rừng chè ở Trà Vân có từ hàng trăm năm qua và gắn bó mật thiết với đồng bào Cor nơi này. Ngày xưa, chè mọc thành rừng, rất rộng, phủ từ đồi này sang đồi khác; có gốc chè trên trăm tuổi, người ôm không xuể, cao 4-5 m… Một thời gian dài do việc giao thương, mua bán, trao đổi chè lấy các sản phẩm khác gặp khó khăn nên người dân phá bỏ dần cây chè, trồng các loại cây khác nên diện tích chè bị thu hẹp rất nhiều. “Bây giờ nhà nào còn giữ được nhiều cây chè cổ là có thể vươn lên làm giàu” – ông Năm quả quyết.
Theo ông Năm, với người đồng bào Cor ở Trà Vân, rừng chè như kho báu không vơi cạn, có thể cho thu hoạch quanh năm, bất kể thời tiết nắng mưa. “Cây chè không cần nhiều công chăm sóc, không thuốc trừ sâu nên rất ít chi phí đầu tư. Một gia đình có khoảng 600-700 gốc chè có thể hái được 5-6 bó/ngày, mỗi bó khoảng 8 kg, bán được 30.000-40.000 đồng/bó; kiếm đều đặn mỗi tháng được 5-6 triệu đồng. Còn nếu gia đình nào chưa có đồi chè riêng, có thể vào rừng hái chè mọc tự nhiên cũng kiếm thu nhập ổn định từ 150.000-200.000 đồng/ngày” – ông Năm tính toán.
Ông Hồ Văn Hùng tự tin cây chè ở thôn Trà Vân ngon nhất trong các loại chè ở Quảng Ngãi, kể cả chè ở huyện Minh Long cũng không bằng. Nhờ vị ngọt dịu nên chè ở Trà Vân được thương lái tìm đến tận nơi thu mua với giá cao, trung bình 5.000 đồng/kg. Ông Hùng khẳng định vùng đất này chỉ có cây chè, cây quế cùng một số cây đặc hữu sống được nên người dân gìn giữ bao lâu nay. Nếu cây chè ở đây mang trồng chỗ khác thì đắng chát, uống không ngon bằng.
Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết năm 2020 có đề tài nghiên cứu khoa học về cây chè trên dãy Cà Đam, ở thôn Trà Vân. Kết quả nghiên cứu cho thấy do điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, chè trồng ở thôn Trà Vân có hương vị đặc trưng so với chè trồng ở nơi khác, ít nơi nào sánh kịp. Ngay cả ở các xã vùng cao khác và xã gần đó, chè cũng không ngon bằng.
Mở rộng diện tích, gắn với phát triển du lịch
Kế cận thôn Trà Vân, đồi chè tự nhiên ở thôn Cà Đam, Trà Huynh (xã Hương Trà) cũng rộng hàng chục héc-ta; vẫn còn rất nhiều chè cổ thụ, có cây cao 4-5 m, được người dân gìn giữ, nhân rộng hàng trăm năm qua. Ông Hồ Bảo Xuyên – Chủ tịch UBND xã Hương Trà, huyện Trà Bồng – cho biết rừng chè ở xung quanh các dãy núi Cà Đam là “vựa” chè lớn nhất huyện Trà Bồng, với gần 200 ha; trong đó có trên 20 ha chè tự nhiên, nhiều cây trên trăm năm tuổi, nhiều nhất là ở thôn Trà Vân. “Trong những năm gần đây, chè của người dân ở khu vực núi Cà Đam được thị trường rất ưa chuộng nên giá thương lái thu mua khá cao. Trung bình mỗi héc-ta chè ở Trà Vân có thể cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Cùng với cây quế, cây chè là một trong những cây phát triển kinh tế chủ lực ở địa phương, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, có nguồn thu ổn định” – ông Xuyên tin tưởng.
Cũng theo ông Xuyên, trong mấy năm qua, địa phương đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chè lên hàng chục héc-ta, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng, bảo vệ đất đai khỏi sạt lở. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân không được tự ý đào, bứng những gốc chè cổ để bán cho giới chơi cây cảnh (giá hàng chục triệu đồng/cây). “Nhờ vậy, rừng chè cổ mới còn giữ được đến ngày nay” – ông Xuyên phấn khởi.
Theo ông Trần Văn Sương, hiện cây chè ở Cà Đam cũng đã có chỉ dẫn địa lý. UBND huyện cũng đang cho phép doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư phát triển rừng chè theo hướng chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm, gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ. Đây là tín hiệu vui với người dân nơi đây. “Dự án thành công sẽ đưa thương hiệu chè Trà Vân – Cà Đam vươn xa, mở rộng vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững cho huyện vùng cao Trà Bồng” – ông Sương hy vọng.
Cây trồng có giá trị kinh tế lâu dài
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng, toàn huyện hiện có hàng ngàn héc-ta chè phân bố rải rác khắp các xã vùng cao của huyện nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Hương Trà. Xã này có gần 200 ha chè, trong đó diện tích trồng mới, khôi phục chè cổ thụ lên đến gần 50 ha, còn lại là chè nhân dân tự trồng, tập trung nhiều nhất ở thôn Trà Vân. “Địa phương xác định chè là cây trồng có giá trị kinh tế lâu dài, bền vững nên đã có đề án quy hoạch, mở rộng thêm khoảng 100 ha ở vùng chuyên canh cây chè. Hiện địa phương đang liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ cây trồng chủ lực này” – đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng cho biết. |