Việc chậm thực hiện các dự án đốt rác phát điện đang gây lãng phí tài nguyên rác và ô nhiễm môi trường ở TP HCM
Nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình xử lý rác cũng như tiết kiệm diện tích đất do việc chôn lấp gây ra, nhiều năm nay TP HCM định hướng thay đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp sang đốt phát điện. Đã có 3 dự án được nhà đầu tư khởi công xây dựng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) từ năm 2019 nhưng chưa biết khi nào hoạt động.
Trễ hẹn đã gần 2 năm
Ba dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện này dự kiến xử lý 6.000 tấn rác/ngày mà không cần phân loại tại nguồn, gồm nhà máy của Công ty Vietstar, Công ty CP Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi; mỗi nhà máy xử lý 2.000 tấn rác/ngày, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Thế nhưng đến nay, nhà máy đốt rác phát điện của cả 3 đơn vị đều chưa thấy đâu, ngoại trừ Công ty Vietstar đã đưa vào vận hành giai đoạn 1 nhà máy xử lý rác tích hợp công suất 2.000 tấn rác/ngày (đang sản xuất được 7.500 tấn phân hữu cơ và 300 tấn nhựa PE/tháng).
Giải thích về dự án chậm tiến độ, đại diện Công ty Vietstar cho biết khó khăn lớn nhất khiến việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện chậm trễ so với kế hoạch chủ yếu do thủ tục pháp lý liên quan. Cụ thể, nhà đầu tư vẫn phải chờ nhà nước bổ sung quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia cũng như giấy phép đấu nối điện vào mạng lưới của các bộ, ngành liên quan.
Còn dự án của Công ty Tâm Sinh Nghĩa thì đang chờ thành phố ký phụ lục hợp đồng để vay vốn. Dự án này có tổng mức đầu tư 4.976 tỉ đồng. Công ty này đã lập hồ sơ vay vốn ngân hàng. Phía ngân hàng yêu cầu công ty cung cấp phụ lục hợp đồng xử lý rác của dự án đúng với công suất 2.000 tấn/ngày nhưng đến nay, phụ lục hợp đồng giữa Tâm Sinh Nghĩa với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vẫn chưa được ký kết. Ngoài chờ thủ tục hoàn chỉnh để vay vốn, đơn vị này cũng chờ hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển nguồn điện của Bộ Công Thương.
Tương tự, dự án của Tasco Củ Chi chỉ mới được duyệt đồ án quy hoạch xây dựng 1/500; đơn vị này đang chờ UBND TP chấp thuận đặt hàng để công ty đầu tư xây dựng nhà máy công suất xử lý 3.000 tấn rác/ngày. Ngoài ra, công ty này cũng kiến nghị thành phố chuyển hồ sơ dự án gửi Bộ Công Thương để kịp bổ sung quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
Đang chờ quy hoạch điện (?!)
Giải thích về tiến độ chậm trễ của các dự án đốt rác phát điện trên địa bàn TP HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, cho biết thành phố hiện có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) sang đốt phát điện đã được chấp thuận chủ trương. Trong đó, UBND thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư thực hiện 2 dự án của Công ty Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Riêng Công ty CP Tasco và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam đang thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đầu tư dự án.
Đối với 2 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH của Công ty Vietstar và Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Sở TN-MT đã tham mưu UBND thành phố xem xét, thẩm định phê duyệt bổ sung 2 dự án này vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia. Hiện nay, 2 đơn vị này đang chờ quy hoạch điện để triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài những dự án nêu trên, một số dự án đốt rác phát điện tại TP HCM đang được nhà đầu tư xin chủ trương và đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý, như dự án của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố (Citenco), Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu, Công ty TNHH EVGreen, Công ty Cơ điện lạnh REE… Để thúc đẩy tiến độ các dự án cũng như kêu gọi các nhà đầu tư tham gia, Giám đốc Sở TN-MT cho biết UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) xây dựng quy trình chung về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Ngoài ra, Sở TN-MT đã phối hợp với Tổ công tác liên ngành thẩm định dự án xử lý chất thải trên địa bàn thành phố làm việc với nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án xử lý CTRSH như Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu, Công ty TNHH EVGreen, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố.
Nói về sự cần thiết của các dự án này, GS Lê Huy Bá, chuyên gia môi trường, cho rằng TP HCM cần khẩn trương hơn trong việc triển khai các dự án đốt rác phát điện nhằm tránh lãng phí. Bởi công nghệ đốt rác không chỉ hạn chế phát sinh mùi hôi, bảo đảm môi trường sống cho người dân quanh khu vực mà còn tiết kiệm diện tích chôn lấp, không cần phân loại rác tại nguồn như hiện nay. Vấn đề là thành phố cần xác định các vướng mắc và nhanh chóng vào cuộc, tháo gỡ cho nhà đầu tư.
Nỗ lực đạt mục tiêu không còn chôn lấp
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, nhằm bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu về công nghệ xử lý CTRSH theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới đạt 100% vào năm 2030, trong thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục triển khai công tác quản lý CTRSH từ khâu phân loại tại nguồn, chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH, chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập; nắm bắt tiến độ, xử lý các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH. Ngoài ra, sở tham mưu UBND thành phố phối hợp với UBND tỉnh Long An tiếp tục thực hiện dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh – Long An để góp phần giải quyết vấn đề xử lý CTRSH của thành phố. |