Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) vừa công bố một báo cáo cho thấy, vào năm 2021, số lượng turbine gió được lắp đặt ngoài khơi trên toàn thế giới nhiều nhất từ trước đến nay, với 21,1 gigawatt (GW) công suất mới được bổ sung vào lưới điện. Tuy vậy, con số tăng trưởng này vẫn chưa đủ để đáp ứng các mục tiêu về lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 (net-zero) mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đặt ra đến năm 2030.
Năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục nằm ở vị trí dẫn đầu năm thứ 4 liên tiếp, với 80% tổng công suất điện gió ngoài khơi mới thường niên.
Theo báo cáo, GWEC đã nâng dự báo công suất lắp đặt điện gió toàn cầu tăng thêm 17% so với mức dự báo trước đó, đạt khoảng 316 GW vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, tăng trưởng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu hiện nay còn khá khiêm tốn khi so sánh với công suất 80 GW mà IEA cho rằng, thế giới cần bổ sung hằng năm cho đến năm 2030, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo GWEC, nhiều khả năng tổ chức này sẽ tiếp tục nâng các mức dự báo trong năm nay, trong bối cảnh các nước xúc tiến cải tổ hệ thống năng lượng để đối phó với sự biến động giá nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng trầm trọng hơn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Báo cáo của GWEC nhấn mạnh, điện gió ngoài khơi vẫn có khả năng cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch, nhưng khoảng cách giữa công suất lắp đặt mới và các mục tiêu đề ra ngày càng lớn.
GWEC cho rằng, cần phải đơn giản hóa thủ tục cấp phép cho các dự án và triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm áp lực lạm phát mà các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đang phải đối mặt, trong tình trạng giá thép và cước vận chuyển tăng khiến chi phí lắp đặt turbine gió cũng tăng theo.
Báo cáo cho thấy, sự chậm chạp và không thể đoán trước trong các thủ tục cấp phép đang tạo ra một sự phức tạp và bất ổn, có thể khiến các nhà đầu tư tiềm năng không hứng thú với các dự án điện gió ngoài khơi.