Sau thời gian kiên trì theo dõi với máy bẫy ảnh, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa) đã ghi được hình ảnh loài cheo cheo Nam Dương.
Mới đây, trong quá trình đặt bẫy ảnh nhằm thu thập thêm dữ liệu về động vật hoang dã cũng như nâng cao cơ hội bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm phần được giao, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đã ghi được hình ảnh loài cheo cheo Nam Dương (Tragulus javanicus) sau nhiều ngày tháng kiên trì với máy bẫy ảnh.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, cheo cheo Nam Dương thường bắt gặp ở Hòn Bà trong những khu rừng trồng dầu rái (Dipterocarpus alatus), bạch đàn (Eucalyptus sp…) và rừng phục hồi sau khai thác ở cao độ từ 50-300m, phân khu phục hồi sinh thái. Chúng xuất hiện cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên do chúng khá nhút nhát nên khó ghi nhận được hình ảnh. Thế nhưng đến khi sử dụng bẫy ảnh đơn vị đã ghi nhận được.
Cheo cheo Nam Dương danh pháp hai phần: Tragulus javanicus, là một loài động vật có vú thuộc họ cheo cheo (Tragulidae), bộ ngón chẵn (Artiodactyla). Chúng là loài động vật móng guốc nhỏ nhất, sinh sống trong các khu rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Khi trưởng thành chúng đạt kích thước như một con thỏ.
Theo đó, cheo cheo Nam Dương có thân dài khoảng 40 – 50cm, trọng lượng trung bình 1,3 – 2,3kg, không có sừng (cả con đực và cái), không có tuyến trước ổ mắt, răng nanh mọc dài ngoài mép (ở con đực dài hơn con cái), thiếu răng cửa trên.
Bốn chân rất mảnh, ngón 3, 4 phát triển. Bộ lông ngắn, mịn, màu nâu đỏ ở mặt trên nhạt dần ở hai bên, dọc giữa lưng đậm màu, dọc gáy có vệt lông đen, dưới cằm và họng có 2 vệt trắng chung gốc, 1 vệt dọc giữa tự do, lông đuôi xù, mặt trên màu giống lưng, mặt dưới trắng nhạt.
Cheo cheo ăn lá, chồi, thân non, hoa, quả, hạt, củ, cỏ, nấm, nhưng thức ăn ưa thích là quả. Cheo cheo cũng ăn côn trùng (sâu, nhộng).
Trong nước, cheo cheo có ở Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh. Ở các tỉnh phía Bắc, cheo cheo Nam Dương gần như tuyệt chủng, còn ở các tỉnh phía Nam, diện tích nơi cư trú đang giảm mạnh. Số lượng cá thể ước tính còn dưới 10.000 con, mỗi năm có thể giảm sút 3 – 4%.