Hội nghị Đại dương Liên Hợp Quốc đang diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha) vừa tập trung vào việc tăng cường các nền kinh tế bền vững dựa vào đại dương, quản lý các hệ sinh thái ven biển trong bối cảnh khoảng 40% dân số thế giới sống tại hoặc gần bờ biển.
Dân số ven biển trên thế giới đóng góp đáng kể vào nền kinh tế toàn cầu – ước tính khoảng 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm – với kỳ vọng đạt khoảng 3 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Đảm bảo sức khỏe hệ sinh thái đại dương, hỗ trợ sinh kế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự hỗ trợ có mục tiêu cho các ngành chính, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, du lịch, năng lượng, các hoạt động vận tải biển và cảng, khai thác dưới đáy biển, cũng như các lĩnh vực đổi mới như năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học biển.
Tài nguyên biển “thiết yếu” và nền kinh tế xanh
Tài nguyên biển đặc biệt quan trọng đối với các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), nơi mà tài nguyên biển là tài sản quan trọng, cung cấp cho họ an ninh lương thực, dinh dưỡng, việc làm, ngoại hối (sự trao đổi tiền tệ trên thị trường tài chính toàn cầu) và giải trí.
Hơn nữa, thông qua các biện pháp can thiệp chính sách dựa trên bằng chứng, những tài sản này cũng có thể góp phần nâng cao và tạo sự bền vững về tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của SIDS và các nước kém phát triển nhất (LDCs).
Tham gia vào cuộc đối thoại chính trong ngày thứ hai của Hội nghị, cựu Tổng thống Cộng hòa Seychelles Danny Faure cho rằng, điều quan trọng là các SIDS phải có một vị trí trên bàn đàm phán, để đảm bảo rằng họ có thể đi đúng hướng.
Ông Faure thừa nhận biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng đến Seychelles và một số SIDS, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ các quốc gia như Seychelles.
“Nền kinh tế xanh rất cần thiết cho sinh kế của người dân và các quốc gia. Tuy vậy, việc đầu tư còn chậm và điều rất quan trọng là, chúng ta tiếp tục duy trì vấn đề trọng tâm trên bình diện quốc tế, vì vậy chúng ta có thể xây dựng quan hệ đối tác giữa xã hội dân sự và khu vực tư nhân”, ông Faure nhấn mạnh.
Mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất về “kinh tế xanh”, nhưng Ngân hàng Thế giới định nghĩa nó là việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế và việc làm, đồng thời bảo vệ sức khỏe của hệ sinh thái đại dương.
Nền kinh tế xanh ưu tiên cả ba trụ cột của sự bền vững: môi trường, kinh tế và xã hội. Khi nói về phát triển bền vững, điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa nền kinh tế xanh và nền kinh tế đại dương. Nền kinh tế xanh ngụ ý đề cập đến sáng kiến bền vững với môi trường, hòa nhập và chống chịu với khí hậu.
Ngoài việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ có thể đo lường được bằng tiền tệ, các rạn san hô, rừng ngập mặn, đồng cỏ biển và đất ngập nước cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng như bảo vệ bờ biển và hấp thụ carbon.
Cùng nhau hành động theo chủ nghĩa đa phương
Bên cạnh việc chỉ rõ vai trò của nền kinh tế xanh, hội nghị cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc biến cam kết thành hành động và phối hợp theo chủ nghĩa đa phương. SIDS kiểm soát 30% tất cả các đại dương và biển. Nhưng làm thế nào SIDS và khu vực tư nhân có thể xây dựng quan hệ đối tác công bằng và có trách nhiệm vì đại dương bền vững?
Kêu gọi thực hiện những lời cam kết được đề ra trong Phương thức hành động được thúc đẩy bởi SIDS và tham vọng của Mục tiêu phát triển bền vững 14 (SDG14) về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, các chuyên gia đã nhắc lại tầm quan trọng của việc khai thác sự hợp tác của khu vực tư nhân để biến cam kết thành hiện thực.
Với hàng triệu lao động trên toàn thế giới trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi cá – hầu hết ở các nước đang phát triển, các hệ sinh thái biển và ven biển khỏe mạnh và có khả năng phục hồi là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Các ngành khác quan trọng đối với khả năng phục hồi của các nước đang phát triển bao gồm ngành du lịch ven biển, đóng góp tới 40% hoặc hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong một số SIDS. Ngoài ra, còn có ngành thủy sản biển, đóng góp gần 20% lượng protein động vật được tiêu thụ trung bình của 3,2 tỷ người và hơn 50% lượng tiêu thụ trung bình ở một số nước kém phát triển nhất.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, nếu không có chủ nghĩa đa phương, không ai có thể giải quyết được vấn đề Đại dương. “SIDS có tiềm năng trở thành các nền kinh tế đại dương lớn nếu chúng ta xây dựng chủ nghĩa đa phương một cách bền vững và chúng ta có thể mở ra triển vọng phát triển”, bà Okonjo-Iweala nói thêm và nhấn mạnh con đường kinh tế xanh.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào đại dương
Tập trung vào mối liên hệ giữa SDG14 và SDG 5 (bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái), một nhóm chuyên gia đã ủng hộ việc tăng cường sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ ở tất cả các cấp.
Với việc phụ nữ ít được đại diện trong lĩnh vực hành động đại dương, đặc biệt là trong vai trò ra quyết định trong khoa học đại dương, hoạch định chính sách và kinh tế xanh, Hội nghị Đại dương Liên Hợp Quốc đã kêu gọi phụ nữ hành động nhiều hơn và thay đổi căn bản trong xã hội.
“Chúng ta có trách nhiệm to lớn phải làm bất cứ điều gì có thể để đảm bảo sự bền vững của hành tinh và Hội nghị lần này có lẽ là một trong những sự kiện quan trọng nhất về cuộc sống trong tương lai,” Cleopatra Doumbia-Henry, người đứng đầu Trường Đại học Hàng hải Thế giới, có trụ sở tại Thụy Điển cho biết.
Bà Doumbia-Henry cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc xem xét điều kiện làm việc của phụ nữ và chênh lệch lương trong ngành thủy sản.
Theo bà Maria Damanaki, người sáng lập Tổ chức Phụ nữ hàng đầu vì Đại dương, cần có kế hoạch hành động cụ thể cùng với luật pháp. Bà Damanaki nói: “Chúng ta cần coi phụ nữ là một phần của nền kinh tế xanh, chúng ta cần nhìn thấy họ ở khắp mọi nơi, để thúc đẩy sự tham gia của họ”.
Với sự tham gia dự kiến của hơn 12 nghìn người ủng hộ đại dương, bao gồm các nhà lãnh đạo thế giới, các doanh nhân, thanh niên, những người có ảnh hưởng và các nhà khoa học, Hội nghị Đại dương Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục khơi dậy động lực mới cho việc thúc đẩy SDG14, trọng tâm của hành động toàn cầu để bảo vệ sự sống dưới nước. Các biện pháp cụ thể sẽ được áp dụng để xây dựng khả năng phục hồi của đại dương và các cộng đồng bền vững hơn, đồng thời được củng cố bởi làn sóng cam kết mới nhằm khôi phục sức khỏe của đại dương.