Việc giảm phát thải khí nhà kính trong ngắn hạn có thể là khoản đầu tư, song trong dài hạn đây là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận được các thị trường khó tính.
Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng 0”, do Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
Doanh nghiệp phải tham gia thị trường carbon
Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường – cho biết, khu vực kinh tế tư nhân liên tục duy trì mức tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 40% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 34%, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng năng lượng cũng như nguyên vật liệu tạo ra các sản phẩm dịch vụ.
Tuy nhiên, đây chính là nguồn gây phát thải khí nhà kính chiếm tỷ trọng lớn trong phát thải của nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp là một trong các đối tượng thực hiện giảm phát thải khí nhà kinh theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020.
Gần đây EU đưa ra cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới. Cơ chế này sẽ áp dụng với 1 số mặt hàng xuất sang EU. Theo đó, cơ chế này quy định những mặt hàng này trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đã tham gia thị trường carbon tự nguyện. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ thực hiện thị trường carbon trong nước cũng như thị trường carbon quốc tế một cách thống nhất với quy mô lớn hơn, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ chế linh hoạt hơn trong hoạt động thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng bộ phận quan hệ đối tác hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- cho biết, hiện nay khi xuất khẩu hàng đi EU và các nước đều yêu cầu sản phẩm xanh. Điển hình như các sản phẩm dệt may hiện nay đã phải dán nhãn carbon, chính vì vậy khi Việt Nam xây dựng chương trình tín chỉ carbon sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam. Tuy nhiên cũng tạo ra áp lực và sức ép cho doanh nghiệp việt nam để đưa hàng hóa sang các thị trường như châu Âu hay Mỹ. Đây là điều kiện bắt buộc cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Năm 2021, thủ tướng cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050 đã tạo động lực lớn để Việt Nam đưa ra các chương trình hành động về giảm phát thải carbon, chống biến đổi khí hậu… Đầu năm nay, chúng ta cũng có Thông tư 06, quyết định 01 trong đó, quy định những hành lang pháp lý quy định giảm phát thải khí nhà kính. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp tham gia vào lộ trình này là một bước đệm quan trọng để thúc đẩy các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu”, ông Phạm Hoàng Hải thông tin.
Doanh nghiệp làm gì để giảm phát thải khí nhà kính
Bà Holly Bostock – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại Heineken Việt Nam cho biết, công ty đặt tham vọng giảm phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất vào năm 2025 và đạt trung hòa carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2040.
Để đạt mục tiêu này, hiện công ty đang dựng các lộ trình, áp dụng chiến lược 4Rs. Cụ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, loại bỏ phát thải qua các dự án bù trừ carbon, báo cáo và quy chiếu theo các tiêu chuẩn ngành. Dự kiến, chiến lược này sẽ mở rộng trong toàn bộ chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến tiêu dùng của công ty.
Tuy nhiên, hành trình này không dễ dàng và dù có tham vọng mạnh mẽ thì cũng không thể tránh được những thách thức. Điển hình là doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận nguồn điện năng tái tạo, ví như việc trì hoãn thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA hay những hạn chế trong việc tự cung tự cấp nguồn năng lượng tái tạo. Do vậy, để đạt được mục tiêu 2050 của quốc gia rất cần sự chung tay hành động của tất cả các bên liên quan, từ chính sách, cộng đồng, doanh nghiệp tới từng cá nhân.
“Với sự chung tay cam kết từ các bên tại hội thảo này, chúng tôi hy vọng rằng tương lai không xa, doanh nghiệp tư nhân sẽ có những bước tiến vượt bậc trên hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0″, bà Holly Bostock bày tỏ.
Ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng bộ phận quan hệ đối tác hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam -VCCI cho rằng, việc giảm phát thải khí nhà kính, trong ngắn hạn đây có thể là khoản đầu tư. Song trong dài hạn đây là cơ hội để họ tiếp cận được các thị trường khó tính. “Đối với nền kinh tế Việt Nam, chúng ta dựa vào xuất khẩu rất nhiều, nên việc giảm phát thải khí nhà kính sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận các thị trường”, ông Phạm Hoàng Hải đánh giá.
Để làm được điều này, chúng ta phải xây dựng được hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh tế. Phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh để chuyển đổi. Đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm áp dụng mô hình tuần hoàn để ra sản phẩm đó. Ngoài ra, chính phủ cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Chính phủ đã có lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, đã có danh sách gần 2000 doanh nghiệp phải thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025. Những năm tiếp theo, thị trường carbon được hình thành, phát triển sẽ tác động sâu rộng đến nhiều mặt đời sống kinh tế của đất nước. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất có cường độ phát thải lớn phải chuyển mình.